Thành phố Thủ Đức - Động lực đột phá phát triển kinh tế của TP. HCM
(BDO)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: nld.com.vn)
Với sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong tìm kiếm động lực phát triển mới, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, mô hình chính quyền đô thị, trong đó có thành lập thành phố Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam, được triển khai có hiệu lực từ 1/1/2021.
Theo dõi quá trình chuẩn bị, bảo vệ đề án này của Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ được tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát khao tạo động lực mới để vươn lên tầm cao mới của thành phố mang tên Bác.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức đã được làm thận trọng và bài bản. Mục tiêu phát triển thành phố trong tương lai là hình thành hệ sinh thái sáng tạo, đô thị thông minh đòi hỏi hình thái tương thích “thành phố trong thành phố." Theo tính toán khoa học, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30-35% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh, tương đương đóng góp 7% GDP quốc gia.
Để xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành động lực phát triển mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao," là thành phố kinh tế tri thức, thành phố trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam, với dân số hiện nay là hơn 1 triệu người và quy hoạch tới 2035 sẽ là hơn 2 triệu người.
Phân tích cụ thể những nền tảng vững chắc cho đô thị sáng tạo này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - người đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án này nhiều năm qua, cho biết nguồn tài nguyên 4.0 hiện có của thành phố Thủ Đức hiện nay là Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (thành công nhất hiện nay với tổng đầu tư từ các doanh nghiệp khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD, 42.000 lao động chất lượng cao, đang triển khai giai đoạn hai mở rộng thêm khoảng 160ha (Công viên Khoa học)); cụm Đại học (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Nông Lâm, Đại học Fulbright) với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sỹ là giảng viên; Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm tài chính khu vực của Việt Nam, hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, tàu điện ngầm, cảng Container lớn nhất Việt Nam Tân cảng, sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất), Công viên lịch sử-văn hóa dân tộc (100ha), sân golf Thủ Đức (300ha).
Theo quy hoạch, thành phố sẽ triển khai tiếp hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội mới gồm Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, Công viên phần mềm Quang Trung thành phố Thủ Đức, Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, Trung tâm Triển lãm quốc tế.
“Thành phố Thủ Đức là thành phố kinh tế tri thức, là cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh để kết nối, lan tỏa, hợp tác với hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương tạo nên Vùng Công nghiệp 4.0 lớn nhất của Việt Nam," ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Về tổng thể, thành phố Thủ Đức sẽ có tám khu vực trọng tâm gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia, Khu Tam Đa-Long Phước, Khu đô thị Trường Thọ, Khu cảng quốc tế Cát Lái và Trung tâm khởi nghiệp.
Về phân kỳ xây dựng và phát triển, thành phố Thủ Đức sẽ có ba giai đoạn phát triển gồm giai đoạn một (2020-2022) là giai đoạn khởi tạo, giai đoạn hai (2023-2030) là giai đoạn triển khai, giai đoạn ba (2030-2040) là giai đoạn hoàn thiện. Trong đó, trong giai đoạn 2020-2025, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức ước tính hơn 41.660 tỷ đồng.
Cùng với những thuận lợi, khi đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức, với vai trò khu đô thị sáng tạo, tương tác cao như kỳ vọng của Thành phố Hồ Chí Minh, còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số; hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhất là giao thông kết nối; cùng với đó là những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đô thị, quy hoạch, đặc biệt là vấn đề quy hoạch treo; quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thường xuyên có những buổi làm việc, tiếp xúc, gặp gỡ với chính quyền, người dân các địa phương thuộc diện sắp xếp, sáp nhập (các Quận 2, 9 và Thủ Đức) của thành phố Thủ Đức. Tinh thần chung được lãnh đạo Thành phố khẳng định đó là hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do thành lập thành phố Thủ Đức; hạn chế tối đa thiệt thòi cán bộ, công chức, người lao động. Đảng bộ, chính quyền các quận tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị xuyên suốt để chăm lo cho dân. Song song với đó, Thành phố cũng tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến quá trình xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao...
Tại các buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng ta là không để người dân bị ảnh hưởng, xáo trộn trong giai đoạn đầu khi ba quận sáp nhập thành thành phố Thủ Đức. Mỗi đồng chí, mỗi ngành, mỗi cấp ngoài việc tiếp xúc, thuyết phục cần chia sẻ với người dân, doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể; cần giải quyết sớm những vấn đề có thể giải quyết được."
Có thể nói, những kế hoạch, định hướng cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức đã được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng, từ mô hình phát triển, nguồn lực về tài chính đến sắp xếp bộ máy chính quyền, phương án giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống người dân, doanh nghiệp... Một lộ trình về sắp xếp tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án trọng điểm tại thành phố Thủ Đức cũng đã được Thành phố Chí Minh xác định cụ thể.
Với khát vọng, không ngừng đổi mới sáng tạo của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực xây dựng các tiền đề và tầm nhìn phát triển mới của Thành phố, trong đó xác định thành phố Thủ Đức trở thành một động lực phát triển kinh tế đột phá, xây dựng nên một thành phố hiện đại, thành phố văn hóa, thành phố hội nhập quốc tế, thành phố đáng sống vào bậc nhất Việt Nam./.
Theo TTXVN