Thành phố thông minh - Ai xây thành phố tương lai?

Thứ ba, ngày 31/05/2016

(BDO) Cho đến nay, khái niệm “Smart City (Thành Phố Thông Minh)“ khiến người ta chú ý nhờ các dự án lớn ở châu Á. Nhưng cả ở Đức, ý niệm này ngày càng đóng một vai trò quan trọng.

Dựa trên thống kê, số phận nhân loại sẽ diễn ra trong khu vực đô thị. Hơn nửa dân số trái đất hôm nay đã là dân thành phố, đến năm 2050 dự đoán tối thiểu sẽ là 70%. Khu vực thành phố cũng là nơi tiêu thụ phần lớn năng lượng toàn cầu và thải ra nhiều khí nhà kính nhất. Do đó việc phát triển thành phố trong tương lai có ảnh hưởng lớn tới môi trường. Khoa học, chính trị và công nghiệp đã nhận ra điều đó và đang định ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hoá. Có lẽ một giải pháp dạng đó mang tên Thành Phố Thông Minh, cũng còn được gọi là Thành Phố Tương Lai, Thành Phố Ngày Mai hay Thành Phố Sinh Thái.

“Năng động, an toàn, bền vững“

Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang (BMBF) định nghĩa Thành Phố Thông Minh là “thành phố trung tính về CO2, sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả, phù hợp với khí hậu trong tương lai.“ Từ vài năm nay BMBF tổ chức các Năm Khoa Học trên nền tảng đối thoại với phong trào “Sáng kiến khoa học.“ Trong năm 2015 Năm Khoa Học hoàn toàn theo đuổi chủ đề Thành Phố Tương Lai. Người dân, các nhà khoa học và địa phương cần có thông tin và kết nối mạng lưới mẽ hơn trong năm chủ đề này, nhằm minh bạch hoá cả công tác nghiên cứu. Theo định nghĩa của tổ chức Fraunhofer-Gesellschaft, thành phố thông minh là một thành phố “giàu thông tin, được kết nối mạng lưới, năng động, an toàn và bền vững.“

“Tương lai đã rất gần rồi“

Thành Phố Thông Minh“ đem lại nhiều lợi thế: các hệ thống điều phối thông minh sẽ điều hành giao thông, các mạng lưới thông tin năng lượng vận chuyển năng lượng và đồng thời hướng đến giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng dưới sự giám sát dòng dữ liệu. Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp ta kết nối mạng lưới và kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hoá. Theo nhận định của tổ chức Fraunhofer-Gesellschaft, thế giới thông minh mới mẻ ấy – mà trong đó tất thảy mọi thứ đều có một giải pháp kỹ thuật – “gần hơn chúng ta vẫn tưởng.“

Thực tế là người ta bắt tay vào xây các thành phố tương lai từ lâu rồi. Một ví dụ vang dội là thành phố New Songdo City của Hàn Quốc với viên gạch đặt móng đầu tiên vào năm 2003, và hôm nay đã có hơn 20.000 cư dân. Hay thành phố Fujisawa Sustainable Smart Town, một khu dân cư mang tính mô hình tại ngoại ô Tokyo, nơi sinh sống của khoảng 1.000 hộ gia đình tính đến năm 2018. Ở châu Âu cho đến nay chỉ tập trung tích hợp các yếu tố của Thành Phố Thông Minh vào đô thị tồn tại sẵn, ví dụ như Amsterdam Smart City hay Smart City Vienna.

Telekom-City – một dự án Đức

Dự án Thành Phố Thông Minh quy mô nhất ở Đức là Telekom-City Friedrichshafen, thuộc tiểu bang Baden-Württemberg. Trong giai đoạn đầu 5 năm rồi kéo dài thêm 3 năm, người ta thử nghiệm ở thành phố này các ứng dụng của Thành Phố Thông Minh như “E-Government (hành chính điện tử)“, “E-Ticketing (vé điện tử trong giao thông)“ và không gian sống kết mạng lưới. Dự án kết thúc tháng 2/2015 và có nhiệm vụ minh chứng các hệ quả của công nghệ thông tin và truyền thông cách tân.

Là người tham gia dự án này, các nhà nghiên cứu đô thị của Viện Địa lý thuộc Đại học Bonn rút ra kết luận tích cực. Thành phố Friedrichshafen và Tập đoàn Deutsche Telekom cũng cho biết đã học hỏi được nhiều từ quán trình tiến hành dự án. Tuy nhiên kỳ vọng về sự tham gia rộng rãi cũng như mức độ phấn khởi của người dân không được đáp ứng: “Chủ đề này quá trừu tượng với nhiều người.“

Phê phán thành phố tương lai

Nhiều công ty lớn thúc đẩy chủ đề Thành Phố Thông Minh từ mấy năm nay. Việc hoàn thiện kỹ thuật của New Songdo City do Tập đoàn công nghệ Cisco đảm nhiệm; Fujisawa Sustainable Smart Town được xây dựng bởi nhóm 18 hãng do Panasonic chủ đạo. Tập đoàn công nghệ Siemens của Đức tham gia dự án Thành Phố Sinh Thái Masdar ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Cả trong Hội đồng Thành phố thông minh ở Liên minh châu Âu – là nơi quyết định về chính sách EU và hỗ trợ tài chính – cũng có mặt đại diện các công ty.

Đó lại là một trong những điểm phê phán chính của Christoph Laimer, chủ tịch Hội nghiên cứu đô thị Derive của Vienna và tổng biên tập tạp chí cùng tên. Trong mắt ông và các nhà phê bình khác, hầu hết các thành phố thông minh không theo đuổi lợi ích của người dân, và Smart City là một dự án từ trên dội xuống, tập trung hoá và do các tập đoàn kinh tế cầm trịch, mang tính áp đặt đối với địa phương mà ở đó cư dân cùng lắm là được đóng vai trò người tiêu dùng. Laimer đòi hỏi “một cuộc tranh luận công khai và khách quan với tầm nhìn quy hoạch chủ đạo nhất hiện tại cho tương lai các thành phố của chúng ta.“

Năm khoa học như một cơ may

Có thế “Năm Khoa Học 2015 – Thành phố tương lai“ sẽ thúc đẩy cuộc tranh luận đó? Người ta đã tạo ra hàng trăm sự kiện với 52 địa phương tham gia, trong đó có một cuộc thi giữa các thành phố. Mục đích tối thượng của Năm Khoa Học là tìm ra các giải pháp chung cho ý niệm đô thị bền vững. Ở đây Thành Phố Tương Lai được coi là “thành phố chung tay“ và cư dân là “đối tác bình đẳng“ mà nếu thiếu họ thì không thể “phát triển đô thị bền vững.“

Theo Goethe