Thành phố mới Bình Dương: Môi trường hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Thứ năm, ngày 31/05/2012

Nhu cầu lớn

Nhìn tổng thể, sau hơn 15 năm tái lập tỉnh, Bình Dương hiện đang là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Hiện nay, với 28 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh và 16.000 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang hoạt động cùng chính sách trải thảm đỏ thu hút các DN đến kinh doanh, Bình Dương đã sẵn sàng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đây sẽ là lợi thế to lớn và sẽ tạo điều kiện, nền tảng vững chắc cho các DN, cá nhân muốn phát triển sự nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TM-DV tại đây.

 Sự năng động của một thành phố trẻ sẽ tạo sự đột phá hấp dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực TM-DV

Trong bức tranh tổng thể về tiềm năng  đầu tư vào lĩnh vực TM-DV đó, Thành phố mới Bình Dương được xem là nơi hấp dẫn hàng đầu. Trên thực tế, Thành phố mới Bình Dương ra đời và được đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhanh chóng để bắt kịp đà tăng trưởng của tỉnh, nhằm mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đến nay, các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng cùng các dự án trọng điểm tại đây đã đi vào hoạt động, mang đến cơ hội phát triển mạnh mẽ các ngành nghề kinh doanh TM-DV tại đây, như: Trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, kim hoàn, dịch vụ ăn uống, khách sạn, khai thác cho thuê, dịch vụ bán lẻ... Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, số lượng lao động nhập cư trên địa bàn tỉnh hiện đã vào khoảng 750.000 người, đang làm việc tại các KCN như VSIP, Đồng An, Việt Hương, Sóng Thần, Nam Tân Uyên... Còn theo thống kê dân số của tỉnh, mỗi năm dân số tăng trung bình là 150.000 người. Do đó, nhu cầu xã hội như ăn, ở, đi lại, vui chơi, giải trí... của người dân sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đây chính là “cơ hội vàng” cho các cá nhân, DN đầu tư vào lĩnh vực TM-DV tại đây.

Điểm nhấn trung tâm

Thực tế hiện nay, tại khu vực trung tâm thành phố mới hiện đã có sẵn các dịch vụ, tiện ích xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống, học tập và làm việc cho dân cư, như: Công viên hồ sinh thái, trung tâm thể thao, trung tâm hành chính, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, chợ, siêu thị... Đến năm 2014, tòa tháp đôi Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung của tỉnh sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Cùng với đó, các căn nhà phố thương mại, căn hộ cao cấp đã đón cư dân vào sinh sống, một số ngân hàng như Vietcombank, Sacombank... cũng đã mở chi nhánh hoạt động tại đây để đáp ứng nhu cầu của “làn sóng” di dân cơ học. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ café Aroma, đang kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tầng trệt căn hộ cao cấp IJC Aroma, cho biết ông rất hài lòng với kết quả kinh doanh đạt được trong thời gian qua. Theo ông Tuấn, do kinh doanh ngay từ những ngày đầu tại đây nên ông nhận thấy lượng khách đến quán ngày một tăng, khách chủ yếu là các chuyên gia, giảng viên, sinh viên... trường Đại học Miền Đông.

Có thể nói, hiện nay lĩnh vực dịch vụ của Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ. Nhìn nhận về lĩnh vực TM-DV, thời gian qua Bình Dương được xem là thị trường năng động với sức mua trẻ và khỏe với giá trị TM-DV hàng năm lên đến gần 60.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, theo kế hoạch tỉnh đã đề ra, đến năm 2015, tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế sẽ đạt đến 38%. Đây là yếu tố hàng đầu cực kỳ quan trọng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực TM-DV của tỉnh. Trong bức tranh chung đó, với vị thế và tầm quan trọng của mình, Thành phố mới Bình Dương nằm ở vị trí trung tâm quan trọng nhất của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần, là cửa ngõ kết nối, trao đổi và giao lưu TM-DV trong và ngoài tỉnh, đồng thời có hệ thống giao thông đồng bộ và nối liền thông suốt nên thành phố mới sẽ là tâm điểm cho quá trình đột phá về phát triển TM-DV. Từ thực tế như vậy, Thành phố mới Bình Dương đang mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh TM-DV cho các cá nhân, tổ chức, DN muốn mở rộng và phát triển sự nghiệp kinh doanh tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

HOÀNG ÂN