Thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương: Đích đến đã rất gần…
Một góc Thành phố mới Bình Dương Ảnh: TRỊNH BÌNH
Từ công nghiệp đến đô thị hóa
Nếu như Sông Bé (cũ) và Bình Dương những ngày mới chia tách được biết đến như là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, bộ mặt nông thôn vốn là đặc trưng thì ngày nay quá trình công nghiệp hóa đã thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế - xã hội (KT-XH), chiếc áo đô thị hóa đầy màu sắc đã và đang thay thế hoàn toàn vùng đất này. Cách mạng Tháng Tám thành công, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất là điều kiện tiên quyết để đưa Bình Dương thay đổi và phát triển, nhưng có lẽ bước ngoặt để dẫn đến bước nhảy ngoạn mục của địa phương chính là việc Bình Dương được chia tách, tái lập tỉnh vào năm 1997. Kể từ khi chia tách tỉnh, với chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài” nhằm phục vụ chủ trương phát triển công nghiệp, KT-XH của Bình Dương thực sự chuyển mình và sau 16 năm, quá trình công nghiệp hóa đã thành công hơn cả sự mong đợi. Tính đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 28 khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích lên đến hơn 9.000 ha; trong đó có 26 KCN đã và đang đi vào hoạt động, có 2.174 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư lên tới con số hơn 18,5 tỷ USD, hàng chục ngàn dự án đầu tư trong nước với số vốn đầu tư cũng lên tới 111.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Chính nhờ quá trình công nghiệp hóa mà nòng cốt là các KCN hình thành nhanh chóng đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa của Bình Dương. Đặc biệt là khi các mô hình KCN được phát triển theo định hướng công nghiệp đô thị tại các địa phương như Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên… Các dự án khu đô thị mới, khu dân cư đô thị hình thành theo đà phát triển KT-XH rộng khắp trên địa bàn đã thu hẹp dần diện mạo nông thôn, thay áo mới mang màu sắc đô thị hiện đại, văn minh. Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tốc độ tăng trưởng dân số đô thị của Bình Dương những năm qua rất cao. Thời kỳ 2001-2005 tăng bình quân 7,2% và đến thời kỳ 2006- 2010 đã tiếp tục tăng lên 9,0%. Tính đến năm 2011, tốc độ tăng dân số đô thị của Bình Dương đạt 21,7%. Tỷ lệ đô thị hóa cũng theo đó tăng nhanh, từ 19,94% năm 1996 lên tới 31,75% năm 2000 và trong thời kỳ thực hiện quy hoạch tổng thể KT-XH (quy hoạch 2007), tốc độ đô thị hóa đạt mức cao nhất của thời kỳ là 31,66%.
Hiện tại, Bình Dương đã hình thành một thành phố trực thuộc tỉnh với chức năng đô thị loại 3, 2 thị xã với chức năng đô thị loại 4. Lộ trình đến năm 2015, sau khi thực hiện chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính, Bình Dương sẽ có 1 thành phố, 4 thị xã, 4 huyện, bao gồm: TP.Thủ Dầu Một (đô thị loại 2), TX.Dĩ An (đô thị loại 3), TX.Thuận An (đô thị loại 3), TX.Nam Bến Cát (đô thị loại 4) và TX.Nam Tân Uyên (đô thị loại 4); các huyện còn lại là Bắc Tân Uyên, Bắc Bến Cát và Phú Giáo, Dầu Tiếng…
Thành phố hiện đại đã hiện hữu
Với tiền đề đã có, để đạt mục tiêu đưa Bình Dương trở thành đô thị loại 1, là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, mới đây UBND tỉnh đã chính thức công bố Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, được thực hiện bởi liên danh tư vấn Cộng hòa Pháp, Công ty Arep - Coteba - Sogreah với Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Phương Nam. Với tầm nhìn toàn cầu, bản sắc Bình Dương, quy hoạch sẽ đưa Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.
Theo quy hoạch được công bố, tính chất của đô thị Bình Dương được xây dựng theo hướng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng-an ninh; là thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1 với 6 quận và 4 huyện; thành phố công nghiệp hình thành trên cơ sở phát triển các KCN tập trung, đồng thời phát triển các chức năng tổng hợp như đô thị, dịch vụ, trung tâm đào tạo, y tế, thể dục thể thao cấp quốc gia. Bình Dương cũng là vùng phát triển công nghiệp- nông nghiệp sinh học, du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và nghỉ dưỡng. Về các chỉ tiêu phát triển đô thị, dân số của đô thị Bình Dương đến năm 2020 sẽ có khoảng 2,5 triệu người, đến năm 2030 có khoảng 3,5 triệu người; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 63,2 triệu đồng; tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2015 đạt khoảng 14% với cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 59%, 38% và 3%...
Cũng theo quy hoạch, đô thị Bình Dương sẽ được phân chia làm 3 khu vực. Khu vực 1 là khu vực phía Nam với mô hình đô thị nén, mật độ cao, bao gồm đô thị Thuận An, Dĩ An với các chức năng dịch vụ, công nghiệp, đầu mối giao thông vùng. Khu vực 2 là khu vực trung tâm với mô hình đa chức năng, đa trung tâm, mật độ trung bình. Trong khu vực này, đô thị mới Hòa Phú, Phú Tân (Thành phố mới Bình Dương) có chức năng dịch vụ - công nghiệp, là trung tâm chính trị - hành chính thành phố Bình Dương giai đoạn sau năm 2015; đô thị cũ Phú Cường, Phú Lợi có chức năng dịch vụ, thương mại; đô thị Nam Bến Cát có chức năng dịch vụ - công nghiệp; đô thị Nam Tân Uyên có chức năng đô thị - công nghiệp - dịch vụ… Khu vực 3 là khu vực đô thị phía Bắc với mô hình đô thị vệ tinh, mật độ thấp, bao gồm: Đô thị Tân Thành, đô thị Cổng Xanh, đô thị Thường Tân, đô thị Phước Vĩnh, đô thị Bàu Bàng, đô thị Dầu Tiếng, đô thị Long Hòa - An Lập, đô thị Thanh Tuyền...
Khi dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang chảy về Bình Dương, trong đó có nhiều dự án lớn ở lĩnh vực bất động sản, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương, điểm nhấn của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương đã hiện hữu một cách khang trang, bề thế, với đầy đủ cơ sở hạ tầng hiện đại… Tất cả cho phép có một sự lạc quan, tin tưởng lớn vào những mục tiêu phát triển đô thị mà Bình Dương đã đặt ra và sẽ trở thành hiện thực trong tương lai rất gần.
THÀNH SƠN