Thanh niên xung phong - niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam

Thứ sáu, ngày 15/07/2011

Ngày 15-7-1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với 225 đội viên...

Mục đích thành lập đội TNXP là nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai”.

  Lực lượng TNXP Bình Dương tham gia phòng chống "đinh tặc", một việc làm được dư luận hoan nghênh

TNXP chống Pháp đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP đã bảo đảm giao thông thông suốt ở các tọa độ lửa như đèo Pa Đin, ngã ba Cò Nòi...

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Cùng với bộ đội mang quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP chống Mỹ cứu nước bảo đảm huyết mạch giao thông với khẩu hiệu “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Những địa danh ghi đậm chiến công của TNXP thời kỳ này như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, đường 20 Quyết Thắng, núi Nhồi, hang Tám Cô... mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với niềm tự hào bi tráng nhất.

Cùng lúc ấy, ngày 20-4-1965 tại tỉnh Tây Ninh, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập với quân số ban đầu là 108 người. Tiếp sau đó, trên 5.000 nam nữ thanh niên từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và cả Việt kiều Campuchia đã “đầu quân” vào Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.

Trong 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã đảm trách hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh... tham gia 614 trận đánh lớn, xứng đáng với danh hiệu được bộ đội trao tặng: “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, thế hệ thứ 4 của TNXP lại tiếp tục lên đường. 300.000 TNXP TP.Hồ Chí Minh đã cống hiến sức trẻ và xương máu cho việc khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. 98 liệt sĩ TNXP đã ngã xuống trong giai đoạn này và 47 đội viên TNXP khác trở về cuộc sống đời thường với một phần thân thể không lành lặn.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, TNXP cũng như bộ đội đã có những hy sinh mất mát to lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, có hơn 5.000 liệt sĩ và hàng vạn thương binh TNXP trên khắp mọi miền đất nước.

Ngày 30-6-1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ đội viên TNXP các thế hệ, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 382/TTg lấy ngày 15-7 hàng năm làm ngày truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Ở tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), vào đầu năm 1965, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp bộ Đoàn đã huy động một lực lượng lớn TNXP phục vụ các trận đánh. Khi có chủ trương xây dựng lực lượng TNXP thường trực thoát ly không thời hạn, các cấp bộ Đoàn đã vận động lực lượng dân công và TNXP hỏa tuyến tham gia TNXP giải phóng miền Nam.

Trong hoàn cảnh đó, đơn vị TNXP tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập ngày 1-12-1965 với trên 100 đội viên, đây cũng là ngày một năm về trước kẻ thù đã gây ra vụ thảm sát bằng cơm trộn thuốc độc tại nhà tù Phú Lợi, vì vậy đội mang tên Đội 112 Phú Lợi căm thù. Đội do Nguyễn Thanh Nha (Tư Nha), Phó Bí thư Tỉnh đoàn làm chính trị viên và đồng chí Đặng Văn Luận (Tư Luận), Thường vụ Huyện đoàn Bắc Bến Cát làm Đội trưởng. Đồng chí Lê Thị Hạnh là Thường vụ Huyện đoàn Nam Bến Cát làm Trung Đội trưởng, đồng chí Vũ Thanh Phương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh đoàn được điều làm Bí thư Đoàn ủy và công tác nữ thanh của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam.

Sau khi thành lập Đội Phú Lợi căm thù được phân công phối thuộc Sư đoàn 9 tham gia các trận đánh: Phước Long, Đồng Xoài, Nhà Đỏ - Bông Trang, Bàu Bàng I, Bàu Bàng II, Lai Khê, Lộc Ninh, cầu Cần Lê, sân bay Tắc Niết và cuộc càn Johnson City...

T.S (tổng hợp)