Thanh niên xung kích phát triển kinh tế

Thứ bảy, ngày 08/10/2016

Hôm qua (7-10), Ban Chấp hành Huyện đoàn Phú Giáo đã đăng cai tổ chức chương trình Liên hoan thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi (TNNTSXKDG) và Tổ hợp tác, Hợp tác xã thanh niên tiêu biểu tỉnh lần 2 năm 2016. Đây là một trong những chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Hội LHTN tỉnh. Tại liên hoan, Hội LHTN tỉnh cũng tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua TNNTSXKDG.

(BDO)

 Anh Nguyễn Hiền Nhơn ở phường Thuận Giao (TX.Thuận An) chọn mô hình trồng hoa lan Mokara để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: K.T

 Ra sức lao động làm giàu cho bản thân và xã hội, thời gian qua đoàn viên, hội viên thanh niên trong tỉnh đã phát huy vai trò xung kích; chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều cách làm hay và mô hình hiệu quả. Qua quá trình nghiên cứu, học tập các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp tình hình phát triển đô thị tại địa phương, anh Nguyễn Hiền Nhơn ở phường Thuận Giao (TX.Thuận An) đã chọn mô hình trồng hoa lan Mokara để thực hiện việc mong muốn làm giàu của bản thân. Quy mô diện tích trồng ban đầu của vườn chỉ có 200m2, số lượng cây trồng là 1.000 cây với số vốn đầu tư 100 triệu đồng, đến nay, anh Nhơn đã mở rộng quy mô diện tích vườn lên đến 1.200m2, số lượng lan hiện tại 6.000 cây, vốn đầu tư 600 triệu đồng và tạo việc làm cho một số TN tại địa phương.

Trong Liên hoan TNNTSXKDG và Tổ hợp tác, Hợp tác xã thanh niên tiêu biểu tỉnh lần 2 năm 2016, các đại biểu cũng tham quan mô hình Thanh niên SXKDG trên địa bàn huyện Phú Giáo như nuôi cút đẻ trứng tại xã Phước Sang, trồng rau sạch tại thị trấn Phước Vĩnh. Dịp này, Tỉnh đoàn tổ chức tuyên dương 32 cá nhân và 5 tổ hợp tác TN SXKDG nhằm động viên, cổ vũ tinh thần TN nông thôn lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả trong TN.

Sau một thời gian tham gia các lớp tập huấn và chuyến tham quan thực tế do Hội LHTN phường phối hợp với Hội Nông dân phường tổ chức, anh Bùi Văn Thảo ở khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình (TX.Dĩ An) đã học tập được mô hình chăn nuôi bò. Đầu năm 2015, với số vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng, anh Thảo mua 3 con bò để nuôi tại nhà. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, số lượng đàn bò đã tăng lên được 9 con với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng, thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Nhờ đức tính siêng năng lao động, ngoài việc chăn nuôi, anh Thảo còn trồng trọt thêm hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Trong khoảng thời gian chiều tối mỗi ngày, anh còn làm việc điều chỉnh âm thanh cho ban nhạc Đông Sơn, tạo thêm thu nhập hàng tháng.

Không chỉ riêng anh Thảo ở Tân Bình (TX.Dĩ An), anh Nguyễn Tấn Lợi, một TN ở xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng) cũng quyết định và mạnh dạn chăn nuôi khi được tham gia lớp học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chuồng trại của anh Nguyễn Tấn Lợi đã có 30 con bò; trong đó có 15 con đã cho sữa. Cùng với đó, anh đang phát triển thêm đàn bò thịt với số lượng 20 con, cung cấp nguồn thực phẩm sạch tại các chợ ở địa phương, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên. Mặt khác, anh Lợi còn phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình nuôi chim yến, chăm sóc vườn cây cao su và kinh doanh phòng tập Gym. Từ việc chăn nuôi và kinh doanh, mỗi tháng anh Lợi có thể thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Song song với phát triển kinh tế cá nhân, các bạn trẻ trong tỉnh còn biết đoàn kết để cùng nhau vươn lên lập thân, lập nghiệp. Điển hình như anh Nguyễn Thanh Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác TN phát triển kinh tế phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một) đã cùng các thành viên trong tổ góp vốn đầu tư chuồng, trại chăn nuôi heo, gà, ếch. Chuồng trại của tổ hiện đã có 500 con ếch, 400 con gà (200 con gà đẻ trứng), 60 con heo với tổng số tiền đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng. Thời gian đầu cả nhóm tuy có gặp khó khăn về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, nhưng bằng tinh thần của tuổi trẻ, các thành viên trong tổ đã vượt qua khó khăn và bước đầu đã bán được 500 con ếch, 20 con heo, 1.000 trứng gà, 150 con gà với tổng số tiền khoảng 40 triệu đồng. Đây là một kết quả khích lệ để các thành viên trong tổ tiếp tục hợp tác sản xuất đạt hiệu quả cao.

 Trong nhiệm kỳ 2012-2017, các tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã phối hợp với các ngành triển khai thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ TN hộ nghèo lập nghiệp và vươn lên giảm, thoát nghèo”, đề án “Đào tạo nghề cho TNNT”; vận động, khuyến khích TN xây dựng các mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thịphù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xãhội. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng duy trì các lớp tập huấn kỹnăng tổ hợp tác, chuyển giao công nghệ cho TN phát triển kinh tế; thành lập và phát triển hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã; trang bị và hướng dẫn TN áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các cơ sở Đoàn còn phối hợp tổ chức tham quan mô hình làm kinh tế hiệu quả, duy trì các tổ xoay vòng vốn, trao vốn không tính lãi; giải ngân các nguồn vốn vay, giới thiệu cho TN vay vốn nước sạch, vốn học tập và làm kinh tế theo chương trình 120...

 K.TUYẾN