Thanh niên TX.Tân Uyên xung kích lập nghiệp
(BDO) Hàng năm, Thị đoàn Tân Uyên đều tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, thanh niên được trang bị kiến thức và khơi nguồn ý tưởng tiến tới lập nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình nuôi trăn của anh Dương Kim Dị ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên
Để thanh niên khởi nghiệp thành công
Nhằm giúp thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp, thời gian qua Thị đoàn Tân Uyên thường tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp và các lớp chuyển giao khoa học công nghệ. Tham gia các lớp này, hội viên, thanh niên nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đồng thời phát huy vai trò khởi nghiệp sáng tạo và duy trì có hiệu quả các mô hình thanh niên làm kinh tế.
5 năm qua, tổ chức Đoàn trên địa bàn thị xã đã phối hợp mở được 49 lớp tập huấn khởi nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, tham quan các mô hình sản xuất như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, trồng hoa lan, trồng rau sạch, nuôi gà, nuôi ếch, nuôi nhím… cho hơn 1.000 hội viên thanh niên. Thị đoàn còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi và tham quan mô hình vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Bạch Đằng cho 100 đoàn viên, hội viên thanh niên.
Được sự giúp đỡ của địa phương tạo điều kiện tham gia học hỏi các mô hình làm ăn có hiệu quả, anh Lê Thành Đông ở khu phố Tân Hội (phường Tân Hiệp) đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào mô hình trồng nấm và nuôi bò gắn với sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường trên đất vườn nhà có diện tích 750m2. Kết quả, anh Đông đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả cao với mỗi tháng thu hoạch, trừ chi phí, lãi gần 16 triệu đồng và nuôi được 2 con bò thịt, 2 con bò sinh sản. Lợi nhuận từ trồng nấm và nuôi bò của anh Đông trong 1 năm đạt khoảng 300 triệu đồng. Anh Đông cho biết: “Tôi được tập huấn, hội thảo về cây, con giống, cách phòng trừ, chăm sóc, trị bệnh. Trong quá trình trồng nấm, tôi đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất. Cụ thể là sử dụng hệ thống tưới tự động làm giảm chi phí nhân công, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”.
Giúp nhau cùng tiến
Nét đáng chú ý là Đoàn Thanh niên các xã, phường ở TX.Tân Uyên đã duy trì và tiến hành vận động, thành lập 12 câu lạc bộ, tổ hợp tác làm kinh tế. Tiêu biểu là Tổ hợp tác Hồng Gia ở phường Uyên Hưng và Tổ hợp tác nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Tân. Cùng với đó là các mô hình cá nhân như mô hình nuôi trăn của anh Dương Kim Dị ở ấp Phú Bưng (xã Phú Chánh), mô hình nuôi bồ câu của anh Nguyễn Công Luật (ấp Phú Thọ, xã Phú Chánh)… Anh Nguyễn Công Luật cho biết: “Từ năm 2017, tôi tìm hiểu và học mô hình nuôi chim bồ câu. Với số vốn ban đầu 100 triệu đồng, tôi làm chuồng trại và mua 1.700 con giống về nuôi. Trải qua nhiều khó khăn, mô hình nuôi chim bồ câu hiện nay khấu trừ hết chi phí thì thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/tháng. Trang trại của tôi đã cung cấp con giống cũng như thịt cho các nơi khác và quán ăn trên địa bàn. Để tiếp tục phát triển trang trại, tôi sẽ nhân rộng mô hình và tìm kiếm thêm thị trường. Tôi sẵn sàng chia sẻ cũng như truyền đạt lại cách làm cho các bạn đoàn viên thanh niên có ý chí vươn lên trong cuộc sống, góp phần làm cho giàu quê hương”.
Các mô hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế của thanh niên trên địa bàn TX.Tân Uyên đã duy trì khá hiệu quả với tính chất tương trợ lẫn nhau, giúp nhau làm kinh tế gia đình. Các hộ thanh niên còn giúp nhau bằng hình thức vần đổi công; giúp nhau cây, con giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và các hình thức xoay vòng vốn... Điều này đã góp phần làm lan tỏa phong trào thanh niên thi đua lập thân lập nghiệp trên địa bàn.
K.TUYẾN