Thanh niên công nhân: Tự lập trên quê hương thứ hai

Thứ sáu, ngày 26/10/2012
Nhiều bạn trẻvừa rời ghế nhà trường đã mạnh dạn quyết định lập nghiệp xa nhà. Cuộc sống tự lập đã rèn luyện tinh thần biết vượt qua những khó khăn để tìm đến niềm vui cuộc sống.

Tự lực vươn lên

Chị Đỗ Thị Hằng (quê Thanh Hóa) tạm gác chuyện học hành sau khi tốt nghiệp THPT vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hằng vào Nam đến xã Đất Cuốc (Tân Uyên) để mưu sinh. Hằng cho biết: “Lúc đó là năm 2001, tôi ở cùng với người chị rồi đi làm thuê làm mướn cảngày, mỗi tháng cũng được vài trăm ngàn gửi về gia đình và dành dụm để luyện thi vào đại học nhưng rồi tôi lại nghĩ nếu đậu vào đại học thì ba mẹ cũng không có tiền để tiếp sức cho tôi”. Suy nghĩ đó nhiều lần đến rồi đi không chút hy vọng.   Xa quê lập nghiệp, Tuyền tự lo toan cho cuộc sống hàng ngày

Sau đó vài năm, tình cờ thông qua người quen, Hằng biết trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (nay là Đại học Thủ Dầu Một) xét tuyển hệ trung cấp sư phạm tiểu học - mầm non. Và may mắn đã mỉm cười khi Hằng được trúng tuyển. Cuộc sống tuy eo hẹp việc chi tiêu, nhưng hàng ngày, Hằng vẫn bảo đảm công việc cạo mủ cao su thuê khi trời mờ sáng và đến lớp học đúng giờ...

Vào Bình Dương lập nghiệp năm 19 tuổi, chị Trần Thị Thanh Hường quê Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) luôn cố gắng trong lao động và cuộc sống. Khi tìm được công việc ổn định trong công ty, Hường đi học nghề cắt tóc được vài tháng để theo đuổi sở thích của mình, nhưng không đủ trang trải cuộc sống, chị đành nghỉ học nghề. Ngoài làm ở công ty, sắp xếp thời gian vào buổi tối và những ngày nghỉ chị làm bán thời gian cho tiệc cưới, quán ăn, giới thiệu sản phẩm. Hường chia sẻ: “Mình xa quê lập nghiệp, phải cố gắng lao động thì cuộc sống sẽ tốt hơn”.

Niềm vui cuộc sống

Điều làm chị Trần Thị Thanh Hường vui nhất là có thể phụ giúp gia đình ngoài quê nhà xây sửa ngôi nhà, ba mẹ đỡ vất vảhơn trước. Nhanh nhẹn, hòa đồng với mọi người, được tín nhiệm trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Rạng Đông ở thị trấn Thái Hòa (Tân Uyên). Thông qua hoạt động chi hội đã tạo thêm nhiều động lực và tin yêu hơn trên quê hương thứ hai của mình.

Chị Nguyễn Thị Tuyền quê Chợ Mới, An Giang nhớ lại những ngày xách giỏ đồ xa quê lập nghiệp. “Lúc đótôi 20 tuổi, đến đất khách quê người ở trọ tìm việc làm, bắt đầu cuộc sống tự lập tôi rất lo lắng khi phải tự lo cho bản thân và không tránh khỏi nhiều vấp ngã, tuy vậy tôi luôn tự nhủ phải đứng lên và đi tiếp. Giờ thì đã biết tự nấu nướng, chăm lo bản thân”. Hàng ngày, sáng dậy khoác lên mình màu áo công nhân vào công ty làm việc, chiều về nấu những món ăn mình thích. Đối với Tuyền, bấy nhiêu đó đã là một niềm vui, vì làm được điều mình mong muốn. 

NHƯ Ý