Thành “nhân” trước khi thành “tài”

Thứ hai, ngày 08/01/2024

(BDO) Sự việc nhóm học sinh (HS) lớp 7 tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang vô lễ, chốt cửa, dồn cô giáo vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu, khiến cô ngất xỉu tại chỗ rồi vỗ tay, reo hò lan truyền trên mạng xã hội đã gây choáng váng dư luận. Sự việc này một lần nữa gióng lên những hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là HS.

Khi xem xong clip, bản thân tôi là một người ngoài ngành giáo dục nhưng rất bàng hoàng, cảm thấy chua xót và thương cho người giáo viên ấy. Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết đây không phải lần đầu diễn ra sự việc này mà trước đây những HS này đã có những hành động như vậy với cô giáo. Nguyên nhân sự việc đang được điều tra làm rõ nhưng dù bất cứ lý do gì thì đây là hành động không thể chấp nhận được. Các em đã quay lưng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay của dân tộc ta. Các em đã chà đạp lên sự cao quý của cái nghề mà chúng ta vẫn hay nói là “cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Những vụ bạo lực học đường, những sự việc về mâu thuẫn, xô xát giữa giáo viên và HS xảy ra tại một số trường học trên cả nước đang là hồi chuông báo động trong toàn ngành giáo dục. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức học đường. Bởi vậy, chúng ta cần xử lý nghiêm khắc, thấu tình đạt lý, bảo đảm vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục. Qua sự việc này, thiết nghĩ việc giáo dục đạo đức HS không chỉ gói gọn trong những tiết học giáo dục công dân, mà cần có sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Có thể nói, “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và học trò cũng phải “Tôn sư trọng đạo”. Bởi lẽ, HS đến trường trước hết để học làm người, phải thành “nhân” trước khi thành “tài”.

 TUỆ NHI