Thanh lý vườn cao su: Cần tính toán kỹ lợi và hại

Thứ năm, ngày 29/03/2012

Không còn chuyện thanh lý tràn lan vườn cây khi giá mủ cao su xuống thấp như cách nay hơn chục năm, hiện nay các chủ vườn cao su tiểu điền trên địa bàn Bình Dương đã biết tính toán, cân nhắc khi thanh lý vườn cây. Tuy nhiên, khi thanh lý vườn cây, chủ vườn cần cân nhắc việc chọn giống sao cho phù hợp để tránh tình trạng phải thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh trên cây cao su...

 Khi quyết định thanh lý vườn cao su để trồng mới, chủ vườn cần lựa chọn giống phù hợp theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam Cân nhắc kỹ khi thanh lý vườn cây

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tính đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có hơn 130.000 ha cao su. Riêng diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 84.000 ha, trong đó diện tích cho khai thác đạt gần 66.000 ha. Theo khảo sát, năng suất bình quân đạt từ 1,5 - 1,7 tấn/ha; giá trung bình 27.000 - 29.000 đồng/kg mủ nước. Trước tình hình giá mủ có chiều hướng đi xuống, nhiều vườn cao su bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác cũng được chủ vườn tính toán thanh lý để trồng mới. Giá trị của vườn cao su thanh lý hiện rất lớn vì gỗ cao su đang có giá. Một ha trồng cao su khi thanh lý nếu lượng cây phát triển đồng đều có thể thu về vài trăm triệu đồng.

Thực tế cho thấy việc thanh lý vườn cao su của nhiều nhà vườn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Anh Nghĩa, một chủ vườn cao su tại huyện Tân Uyên, cho biết gia đình anh có khoảng 2 ha cao su cạo được hơn 14 năm. Mùa cạo vừa rồi vườn cao su của anh bắt đầu có dấu hiệu giảm sản lượng nên rao bán gỗ để trồng mới. Tuy nhiên, hiện anh vẫn đang cân nhắc vì chưa biết nên thanh lý hay tiếp tục khai thác! Tương tự anh Nghĩa, anh Long, ngụ xã Tân Hưng, huyện Bến Cát, cho biết gia đình anh có vườn cao su cho thu hoạch chỉ hơn chục năm, nhưng do trồng không đúng kỹ thuật nên cây phát triển không đều và thường xuất hiện các loại bệnh nên anh đang tính đến khả năng thanh lý vườn cây để trồng mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trước tình hình giá mủ lên xuống thất thường, anh Long cũng đang cân nhắc, chờ xem giá mủ vì sợ thanh lý vườn cây đúng vào dịp giá mủ tăng cao!

Hiện nay, so với các vườn cao su quốc doanh, vườn cao su tiểu điền có sản lượng mủ và thời gian khai thác thấp hơn rất nhiều. Thời gian cho mủ của vườn cao su tiểu điền chỉ đạt từ 14 - 15 năm so với trên 20 năm của các vườn cao su quốc doanh. Theo các tài liệu khoa học, nếu vườn cao su được chăm sóc kỹ và có chế độ khai thác hợp lý thì có thể cho thu hoạch trong 20 năm. Tuy nhiên, với những người trồng cao tiểu điền như anh Nghĩa, anh Long do trồng theo phong trào, không có sự lựa chọn kỹ về giống, vườn cây không được chăm sóc kỹ, bên cạnh đó là chế độ cạo chưa hợp lý đã rút ngắn thời gian cho mủ của vườn cây. Theo ông Bùi Quang Chánh, Trưởng phòng Nông nghiệp - Sở NN-PTNT, sở dĩ nhiều chủ vườn cao su tiểu điền buộc phải thanh lý vườn cây sớm là do khai thác không đúng quy trình, trong đó nguyên nhân sâu xa là do khai thác khi độ vanh không đủ, chế độ cạo D2 làm cây suy kiệt, đầu tư phân bón không phù hợp làm năng suất vườn cây giảm.

Lựa chọn giống phù hợp khi trồng mới

Đối với các chủ vườn cao su đã quyết định thanh lý vườn cây để trồng mới, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống. Tiêu chuẩn giống được chọn của hầu hết các chủ vườn trồng mới là phải phù hợp với thổ nhưỡng, có năng suất ổn định và có thể kháng dịch bệnh. Các giống cao su được trồng phổ biến hiện nay tại các vườn cao su tiểu điền là PB 235, PB 255, PB 260, RRIV 4... Đối với diện tích cao su trồng mới thì chủ yếu là giống RRIV 4 vì đây là giống cao su cho năng suất mủ rất cao. Tuy nhiên, nhược điểm của giống cao su này là ít có khả năng chống chịu với gió nên dễ gãy, mẫn cảm với các loại bệnh. Trong đợt dịch bệnh Corynespora năm 2010 vừa qua, những chủ vườn trồng giống cao su RRIV 4 chịu thiệt hại nặng nề hơn so với các chủ vườn trồng các giống cao su khác. Nắm được nhược điểm của một số giống cao su, các cơ quan hữu quan cũng đã khuyến cáo nông dân không nên trồng các giống RRIV 2, RRIV 3, RRIV 4 vì đây là các giống cao su dễ nhiễm bệnh rụng lá.

Nói về việc chọn giống cao su, ông Bùi Quang Chánh khuyến cáo, với những chủ vườn có nhu cầu trồng mới tốt nhất nên liên hệ với Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam để có các hướng dẫn cụ thể về việc chọn lựa giống phù hợp; mật độ trồng nên theo tỷ lệ 3x6m. Vườn cây nên cạo theo chế độ S/2 d/3 6d/7 (cạo 1/2 miệng cạo, 3 ngày cạo một lần, 1 tuần cạo 2 lần, nghỉ ngày chủ nhật). Đầu tư phân bón phải theo đúng quy trình, theo đúng độ tuổi cây khai thác; quan tâm xử lý bệnh kịp thời trên vườn cây sẽ giúp cho cây cho năng suất mủ ổn định và lâu dài.

CAO SƠN

Khi hết thời gian kiến thiết cơ bản, vườn phải có số cây hiện hữu trên 90% so với mật độ thiết kế và phải có từ 70% trở lên số cây có vanh thân đo cách mặt đất 1m là 50cm, vỏ cạo dày hơn 6mm thì đưa vào khai thác. Số cây còn lại mở bổ sung vào năm sau và mở hết vào năm cạo thứ 3.