Thành lập Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 18/09/2021

(BDO) Sáng 17-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Tân Uyên đã tổ chức lễ ra mắt Trạm Y tế lưu động (TYTLĐ) trong doanh nghiệp (DN) (Trạm số 1). Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Bá, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng lãnh đạo TX.Tân Uyên và đại diện các DN. Việc thành lập Trạm số 1 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong DN; cùng các cơ sở y tế chăm lo sức khỏe cho người dân, người lao động (NLĐ) trên địa bàn.


Ông Nguyễn Văn Lợi (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp - Trạm số 1. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Nâng cao hiệu quả chống dịch tại doanh nghiệp

Đây là TYTLĐ trong DN đầu tiên của TX.Tân Uyên, cũng là TYTLĐ trong DN đầu tiên của tỉnh. Trạm số 1 được thành lập trên cơ sở nhân lực, trang thiết bị của Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm Phúc (khu phố 2, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên) dưới sự quản lý của Trung tâm Y tế và Phòng Y tế TX.Tân Uyên. Bác sĩ CK1 Đồng Thanh Kịch, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm Phúc, Trưởng trạm số 1, cho biết việc thành lập Trạm số 1 đã đáp ứng được công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu tiếp cận chăm sóc y tế của các DN, NLĐ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ tổ chức thành lập thêm các TYTLĐ vệ tinh tại các khu công nghiệp, giúp DN nâng cao hiệu quả chống dịch.

Nhiệm vụ của TYTLĐ trong DN là quản lý, theo dõi người nghi nhiễm Covid-19 tại DN; thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại DN; triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có trường hợp mắc bệnh Covid-19; xét nghiệm Covid-19; phối hợp triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19; truyền thông về Covid-19. Trạm đồng thời tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mãn tính cho NLĐ, công nhân; khám sức khỏe định kỳ công nhân, NLĐ và thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền phân công. Trạm có nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi bệnh nhân nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có hệ thống thu gom rác thải y tế và có chỗ nghỉ cho nhân viên y tế.

Bà Nguyễn Thị Chi, bộ phận Nhân sự Công ty Thép HU Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng), cho biết công ty đã và đang duy trì tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với hơn 100 lao động. Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trạm số 1 là rất thiết thực và kịp thời để hỗ trợ DN tiếp cận y tế khi cần thiết, đặc biệt là trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Tân Uyên, trong thời gian tới thị xã sẽ thí điểm thành lập thêm TYTLĐ ở 3 DN khác với khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho 8.000 - 10.000 công nhân lao động; đồng thời mở rộng mô hình tại các DN có nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn thị xã.

Đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Tân Uyên, hiện nay dân số thị xã khoảng 450.000 người. Trong đó, có hơn 50% NLĐ đang làm việc ở 1.800 DN trên địa bàn. Thời gian qua, nhiều ca mắc Covid-19 được phát hiện trong khu nhà trọ, nhà máy, xí nghiệp và công ty. Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, cho biết mô hình TYTLĐ trong DN là mô hình có ý nghĩa rất quan trọng giúp các cơ sở y tế tư nhân cùng chung tay với y tế nhà nước hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh và các công việc liên quan đến y tế cho DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.


Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm cơ sở vật chất của Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp - Trạm số 1

Nhiệm vụ của TYTLĐ trong DN là quản lý, theo dõi người nghi nhiễm Covid-19 tại DN; thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại DN; triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có trường hợp mắc bệnh Covid-19; xét nghiệm Covid-19; phối hợp triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19; truyền thông về Covid-19. Trạm đồng thời tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mãn tính cho NLĐ, công nhân; khám sức khỏe định kỳ công nhân, NLĐ và thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền phân công.

TYTLĐ được bố trí phù hợp tại các DN, bảo đảm NLĐ được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất; chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 và chăm sóc điều trị khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để góp phần hạn chế tác động của dịch bệnh đến sản xuất của DN. Đặc biệt, TYTLĐ trong DN có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng; kết nối việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại DN với chăm sóc tại bệnh viện; sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho công nhân, NLĐ trong các DN.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết hệ thống y tế theo hướng “bình thường mới” được tổ chức hoạt động theo hướng vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: Truy vết, xét nghiệm, tiêm vắc xin, tuyên truyền... Trong đó, ở tuyến xã, ngoài cơ sở y tế truyền thống sẽ thành lập thêm ít nhất 1 TYTLĐ đối với xã “vùng xanh” và ít nhất là 2 TYTLĐ với xã “vùng đỏ”; qua đó nhằm bảo đảm người dân, NLĐ được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất; đồng thời, tỉnh sẽ thành lập và bố trí các TYTLĐ tại khu, cụm công nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao việc cơ sở y tế tư nhân Phúc Tâm Phúc tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần cùng cơ sở y tế công lập chăm lo sức khỏe cho người dân, NLĐ trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị chính quyền, ngành y tế địa phương cần quan tâm theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ trên tinh thần, vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện “bình thường mới” khi mọi hoạt động xã hội dần trở lại bình thường.

ĐỖ TRỌNG