Thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương: Kết nối và hội nhập
(BDO) Việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương, bên cạnh gắn kết các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong cùng lĩnh vực với nhau, sẽ tạo ra sự kết nối các DN trong tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, việc thành lập hiệp hội cũng bảo đảm tiến độ và kéo giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong xu thế hội nhập.
Đáp ứng nhu cầu DN
Ngành dịch vụ vận tải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, do các loại hình kinh doanh phụ thuộc vào dịch vụ vận tải để tiếp cận nguyên liệu và phân phối hàng hóa. Tại Việt Nam, ngành logistics có mặt khoảng 30 năm nay, tốc độ phát triển từ 35 - 40%/năm. Hiện cả nước có 1.500 DN hoạt động trong lĩnh vực này và ngày càng phát triển. Gần đây, với sự ra đời của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở rộng hơn về số lượng và mức độ tự do hóa thương mại vừa là cơ hội cũng là thách thức đặt ra cho ngành logistics về giá cả, kỹ thuật, thời gian vận chuyển…
Bình Dương là một trong những tỉnh có nền kinh tế năng động nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương nằm giữa trung tâm tiếp giáp các tỉnh Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh. Một định hướng lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, mở hệ thống cảng biển nước sâu và cảng quốc tế ở Thị Vải, Cái Mép; xây dựng hệ thống sân bay quốc tế Long Thành… Do đó, Bình Dương tiếp tục có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để tập trung đầu tư trung tâm logistics theo hướng mở, tiếp nối với hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế của vùng.
Vận chuyển hàng hóa tại Công ty Cổ phần IDC Tân Cảng - Sóng Thần.
Ảnh: TIỂU MY
Ông Nguyễn Trường Thi, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư và hợp tác quốc tế Sở Công thương, cho biết hiện tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ; nạo vét khai thác hệ thống đường sông, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt đến cảng Cái Mép - Thị Vải; cùng với đó kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông nhằm đáp ứng nhu cầu của DN trong và ngoài tỉnh.
Dù có nhiều thuận lợi song hiện nay trừ một số DN lớn, có năng lực cạnh tranh với DN logistics nước ngoài, đa số DN hoạt động trên lĩnh vực phân phối, quản lý, khai thác hàng hóa trong trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ, chủ yếu cung cấp các giải pháp đơn lẻ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Thêm vào đó, các DN sản xuất trong nước chưa nhận thức tốt sự kết nối trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng - Sóng Thần - một đơn vị logistics tiệm cận trình độ quốc tế, cho biết việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương sẽ là tiền đề, lực đẩy phát triển toàn diện hệ thống logistics, bao gồm hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm và hạ tầng nhân lực. Theo đó, mỗi DN với chức năng khác nhau sẽ phát huy cao nhất chức năng của mình nhưng vẫn bảo đảm tính liên thông (kết nối dữ liệu, tận dụng các nguồn lực và quỹ không gian chung...). Nhờ đó, việc cạnh tranh trong kết nối sẽ tăng hiệu suất hoạt động chung của các DN thành viên của hiệp hội.
Giảm chi phí hàng hóa
Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc thành lập Hiệp hội Logistics nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics phối hợp với nhau, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN logistics và kết nối hỗ trợ các hiệp hội, DN trong tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó góp phần giảm chi phí hàng hóa, bảo đảm cho DN giao nhận hàng hóa đúng thời gian, đáp ứng nhu cầu của DN trong xu thế hội nhập. Việc thành lập hiệp hội cũng góp phần phát triển dịch vụ logistics minh bạch, lành mạnh, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội tỉnh nhà. |
Hiện nay, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành của sản phẩm. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hiện các nước đang phát triển tại châu Phi và châu Á phải trả chi phí cho vận tải quốc tế hàng cao hơn 40 - 70% mức trung bình mà các nước phát triển phải trả. Do vậy, hạ thấp chi phí logistics là vấn đề đặt ra cấp bách và sống còn cho DN khi mà các FTA đã và đang có hiệu lực.
Trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Bình Dương tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch trung tâm logistics được coi là một chiến lược quan trọng, là thành tố cốt lõi trong hệ thống logistics và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động logistics của chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương luôn gắn với lợi ích của các DN trong tỉnh, trong đó tỉnh chú trọng phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics và các công trình hỗ trợ cho vận tải hàng hóa; gắn kết kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy tạo sự thuận tiện tối đa cho DN giảm thiểu chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm sản xuất. Bình Dương đã quy hoạch 300 ha đất để xây dựng trung tâm logistics đạt chuẩn nhằm liên kết các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung cấp dịch vụ logistics thông suốt, nhanh chóng, an toàn, cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, giải pháp kết hợp đường bộ - đường thủy của tỉnh Bình Dương được khách hàng đánh giá cao về hiệu quả tiết kiệm chi phí với thời gian hợp lý. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, đánh giá cao giải pháp logistics kết hợp đường bộ và đường thủy trong vận chuyển hàng hóa. Ông cho rằng đây là giải pháp tiết kiệm chi phí tài chính tối ưu nhất, tạo nhiều tiện lợi cho khách hàng. “Việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương sẽ cung cấp cho khách hàng chuỗi cung ứng về dịch vụ logistics là việc rất cần thiết. Sự kết nối các mạng lưới giao thông với cảng Cái Mép - cảng nước sâu, sẽ tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu giảm thiểu thời gian trung chuyển hàng hóa, tiết kiệm giá thành sản phẩm cho DN; hơn hết là tăng cường tiếng nói của DN đến các ngành chức năng và xây dựng văn hóa trong vận chuyển, kho bãi một cách quy củ hơn”, ông Hiệp nói.
Hiện Bình Dương đã và đang phát triển nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 34.596 DN trong nước và 3.430 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nơi có nhiều khách hàng lớn và các khách hàng tiềm năng cho dịch vụ logistics. Tỉnh cũng đang tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ thông qua việc thu hút, mời gọi thêm các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghệ cao đến kinh doanh. Hạ tầng logistics của tỉnh phát triển khá đồng bộ, có khả năng phục vụ tốt cho hoạt động của ngành, gồm hệ thống cảng, hệ thống cảng cạn, kho bãi hàng hóa, hệ thống giao thông đường bộ, dịch vụ hải quan và kho ngoại quan… khá hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 50 DN logistics, trong đó có nhiều DN lớn, trình độ tiệm cận với các DN logistics hiện đại trong khu vực và trên thế giới như IDC Tân Cảng - Sóng Thần, U&I...
TIỂU MY