Thành lập doanh nghiệp KHCN: Cần sự phối hợp tốt giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Thứ tư, ngày 18/07/2018

(BDO)  Trong thời gian qua, thực hiện đẩy mạnh đưa khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó có 6 chương trình KHCN quốc gia. Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm trong việc thành lập DN KHCN.

Chính sách đã có

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển DN KHCN, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển DN KHCN… ngày 22- 5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 592/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển DN KHCN và tổ chức KHCN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (gọi tắt là Chương trình 592). Đây là 1 trong 6 chương trình KHCN quốc gia, với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển DN KHCN; tăng cường năng lực tự chủ cho các tổ chức KHCN công lập nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Với việc được chứng nhận DN KHCN, DN sẽ có điều kiện hưởng ưu đãi các chính sách của Nhà nước, qua đó tạo điều kiện để nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất. Trong ảnh: Hệ thống máy sản xuất gạch ống không nung xi măng cốt liệu của Công ty TNHH gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương (TX.Tân Uyên). Ảnh: C.T.V

Ông Trần Đắc Hiến, Chủ nhiệm Chương trình 592, cho biết sau khi Thủ tướng phê duyệt chương trình, Ban chủ nhiệm Chương trình 592 đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KHCN) và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều hình thức quảng bá cho chương trình. Cụ thể, ban chủ nhiệm phối hợp tổ chức các hội thảo trong cả nước và chủ động liên hệ với các sở KHCN để đề nghị lựa chọn và đề xuất những dự án tốt nhất ở địa phương tham gia vào chương trình. Đến nay Chương trình 592 đã phê duyệt và hỗ trợ thực hiện được 18 nhiệm vụ; tiếp tục nhận đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và thực hiện các thủ tục xét duyệt theo quy định.

Theo các chương trình, chính sách, hiện nay các DN có giấy chứng nhận là DN KHCN sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm, được giảm 50% trong 9 năm và được hưởng thuế suất thu nhập DN là 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận. Ngoài ra, các DN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng những thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng những dịch vụ miễn phí tại các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN...

Sớm giải quyết vướng mắc

Mặc dù ưu đãi từ các chương trình, chính sách hấp dẫn là vậy, tuy nhiên hiện trong cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng các DN đăng ký thành lập DN KHCN còn rất ít. Tại Hội thảo giới thiệu và hướng dẫn đề xuất dự án tham gia chương trình hỗ trợ phát triển DN KHCN và tổ chức KHCN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Văn phòng các chương trình quốc gia (Bộ KHCN) phối hợp với Sở KHCN tổ chức vừa qua, các DN đã chia sẻ những khó khăn trong việc thành lập DN KHCN.

Theo các DN, trở ngại lớn nhất khi thành lập DN KHCN chính là phải xây dựng những dự án sản xuất, kinh doanh, phải giải trình toàn bộ quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, chứng minh các sản phẩm hàng hóa phải được hình thành từ kết quả KHCN, luôn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, các DN cũng đề cập đến việc phải khai báo chi tiết công nghệ, mô tả sáng kiến của mình, nên việc mất thông tin hay bí quyết công nghệ là rủi ro thường gặp khi đưa ra Hội đồng xét duyệt và thời gian cấp kinh phí kéo dài đến 1 năm sau khi được xét duyệt…

Ngay cả các DN đã được chứng nhận là DN KHCN vẫn còn lo lắng khi các nghiên cứu của mình có thể bị trùng lắp hoặc các DN khác đã triển khai. Đại diện Công ty TNHH gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương (một DN KHCN), chia sẻ mặc dù đã được chứng nhận là DN KHCN nhưng công ty vẫn đẩy mạnh công tác nghiên cứu đổi mới trong sản xuất. Điều mà công ty lo lắng là khi đưa nghiên cứu này ra Hội đồng xét duyệt để hưởng ưu đãi nhưng nghiên cứu này đã được DN khác thực hiện thì công ty sẽ không được xét duyệt hoặc nếu có thay đổi trong nghiên cứu để có điểm mới thì thời gian sẽ kéo dài.

Ông Hiến cho hay, theo quy định về quản lý nhiệm vụ thuộc Chương trình 592, việc đề xuất tham gia vào chương trình phải thực hiện theo quy trình quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Ban chủ nhiệm chương trình và các đơn vị liên quan của Bộ KHCN vẫn tiếp tục nỗ lực khai thác, tìm kiếm và lựa chọn những đề xuất dự án tốt nhất để hỗ trợ. Ông cũng khuyến nghị các DN khi triển khai những nghiên cứu để hưởng các chính sách của chương trình này cần chú ý việc trùng lắp đề tài, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… để tránh tình trạng đề xuất không được chấp thuận và việc kiện tụng về vấn đề bản quyền.

Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết để tạo điều kiện cho các DN, tới đây sở tiếp tục tư vấn, hỗ trợ DN triển khai theo đúng trình tự, biểu mẫu quản lý đề tài, dự án của Nhà nước nhằm đạt được kết quả nghiên cứu tốt. Mặt khác, sở sẽ giúp DN tìm kiếm và kết nối các chuyên gia thực hiện nghiên cứu hay tư vấn, hỗ trợ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá các kết quả đạt được. Ngoài ra, DN có thể tiếp cận Quỹ KHCN của tỉnh cũng như trích lập Quỹ phát triển KHCN tại DN để có kinh phí cho công tác nghiên cứu, đổi mới KHCN.

Đến nay, toàn tỉnh có 33.548 DN trong nước và 3.397 DN nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư 266.134 tỷ đồng và 30,96 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 4 tổ chức KHCN công lập, gồm Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật tài nguyên và môi trường và 4 DN KHCN, gồm Công ty TNHH Minh Long I (gốm sứ), Công ty TNHH Thiên Dược (dược), Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe (năng lượng mặt trời) và Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương (vật liệu xây dựng mới).

 

HOÀNG PHẠM