Thành công với mô hình “Rau an toàn nhà lưới”
(BDO) Sau những năm tháng vất vả với đủ công việc khác nhau, anh Nguyễn Văn Bỉnh, p 2, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đã giúp gia đình “đổi đời” nhờ áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn. Là người tiên phong với mô hình này, anh Bỉnh hiện là tổ trưởng tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới của xã Trừ Văn Thố.
Mô hình trồng rau an toàn của anh Bỉnh được nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế gia đình tại địa phương
Người tiên phong
Ngôi nhà của anh Bỉnh nằm yên bình trong ngõ, không gian nơi đây mát mẻ nhờ cây xanh, đặc biệt là vườn rau xanh mướt. Dẫn chúng tôi thăm vườn rau, anh Bỉnh hồi tưởng lại quá trình tạo lập để có được mô hình trồng rau an toàn như ngày hôm nay.
Năm 2007, anh Bỉnh cùng vợ khăn gói từ Bắc vào Nam lập nghiệp và chọn mảnh đất ấp 2, xã Trừ Văn Thố để định cư. Với 2 bàn tay trắng gia đình anh chị đã phải làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai từ phụ hồ, cạo mủ cao su mướn đến làm công nhân công ty. Qua nhiều năm làm thuê, làm mướn vất vả, anh chị cũng dành dụm xây được cho mình căn nhà cấp 4. Nhưng, cuộc sống gia đình chỉ thật sự thay đổi kể từ khi đầu tư trang trại trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2014, sau lần được Hội Nông dân xã mời tham gia lớp tập huấn về trồng rau sạch, anh Bỉnh đã tự trồng rau để cung cấp cho bữa ăn gia đình để giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Lâu dần thấy thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho việc trồng các loại rau nên vợ chồng anh bàn bạc trồng rau mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Từ trồng vài mét vuông đất quanh nhà, anh chị đã tăng lên vài trăm mét đủ các loại rau ăn lá và các loại trái như bầu, bí, mướp, cà tím… để bán cho người dân trong xã Trừ Văn Thố.
Đầu năm 2016 anh quyết định chuyển đổi hơn 1.600m2 đất trồng cao su và cây ăn trái quanh nhà để đầu tư trồng rau sạch theo công nghệ VietGAP. Từ sốvốn hơn 100 triệu đồng tích cóp được, gia đình anh Bỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới phun sương tự động, đồng thời anh cũng kiên nhẫn tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau sạch. Anh Bỉnh cho biết: “Tôi đã tìm tòi, học hỏi thêm những mô hình trồng rau sạch các địa phương khác để tự đúc kết cho mình kinh nghiệm. Tôi được Hội Nông dân xã hỗ trợ tiếp cận với công nghệ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, được vay nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuầt”.
Nhân rộng trên địa bàn
Hiện nay, với diện tích hơn 1.600m2, anh Bỉnh trồng luân phiên các loại rau như: Cà chua, cải ngọt, rau ngót, đậu cô ve, xà lách, bí, cà, mồng tơi, rau đay… Các loại rau được gia đình canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà đưa vào trồng nhiều hay ít, qua đó có sản phẩm thu hoạch quanh năm. Tiếng lành đồn xa, hàng ngày các tiểu thương vào tận vườn của anh để mua rau. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng sang lại một sạp hàng để bán rau sạch tại chợ Tân Long (xã Tân Long, huyện Phú Giáo).
“Từ mô hình của anh Bỉnh, xã đã nhân rộng, liên kết các hộtrồng rau sạch để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về KHKT, kinh nghiệm theo công nghệ VietGAP. Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển mô hình rau sạch, hội nông dân đã phối hợp với tỉnh hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2023 sản phẩm của tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới xã Trừ Văn Thố đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, khẳng định được giátrị và chất lượng”. (Ông Trần Quang Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố) |
Theo anh Bỉnh, vườn rau được đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước phun sương không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới, nhân công lao động mà còn hạn chế được số cây rau bịdập, hao hụt khi tưới nước bằng biện pháp thủ công. Nhờ ứng dụng KHKT vào sản xuất, vườn rau luôn cho chất lượng, năng suất cao. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất ra thịtrường hơn 1 tấn rau sạch với thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Bỉnh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau với bà con ở địa phương. Sản lượng rau sạch có thể tăng lên vào năm tới bởi ngày càng có nhiều người dân Trừ Văn Thố tham gia sản xuất rau không hóa chất. Cùng với việc tăng nguồn cung rau an toàn là mối lo về giá cả. Trung bình một kg rau an toàn nhà lưới có giá cao gấp 2 lần so với rau cùng loại được bán ở chợ. Tuy nhiên, anh Bỉnh tin rằng khách hàng sẽ lựa chọn bởi thực phẩm an toàn giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Trần Quang Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, cho biết: “Mô hình trồng rau sạch theo hướng an toàn của gia đình anh Bỉnh làmột trong những mô hình tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và hình thành phương thức sản xuất tiên tiến, cung cấp rau quanh năm cho thịtrường. Những cá nhân sản xuất điển hình đã góp phần cho nông thôn mới của xã ngày càng khởi sắc, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do xã phát động”.
TIẾN HẠNH