Thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ ba, ngày 03/11/2020

(BDO)  Không chỉ gương mẫu trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Phạm Văn Tiền, nguyên Chủ tịch UBND xã An Linh, huyện Phú Giáo còn được người dân biết đến là người rất đam mê kinh doanh, làm kinh tế giỏi.

 Ông Phạm Văn Tiền bên bể cá tai tượng, cá trê của gia đình

 Ông Tiền chia sẻ: “Xã An Linh có cơ cấu nông nghiệp chiếm 80% với ngành nghề chủ yếu là trồng trọt cao su. Với 13 ha cao su tại ấp 7, tôi chủ yếu tập trung khai thác cao su, phát huy thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương”. Ông tâm sự rằng một người cán bộ mẫu mực, có uy tín, có thể nói để dân nghe và dân tin, ngoài làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người cán bộ phải biết làm kinh tế.

Sau khi nghỉ công tác, ông học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, mở rộng thêm các mô hình kinh tế như nuôi chim bồ câu. Trại chim bồ câu của ông trung bình có khoảng 600 - 700 cặp. Tuy nhiên do nuôi không hiệu quả, năm 2010 ông chuyển hướng sang nuôi cá, nuôi nhím và gần đây nhất là nuôi thêm yến. Bể cá của ông chủ yếu nuôi cá trê và cá tai tượng. Ông Tiền cho biết cá trê rất dễ nuôi, chỉ riêng cá tai tượng là khó, từ 4 - 5 năm cá mới được khoảng 5 kg. Mỗi lần ông thả từ 300 - 500 con, giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng thêm chuồng trại nuôi 40 - 50 con nhím, mỗi năm thu hoạch 1 lần. Hiện tại, tổng thu nhập từ các nguồn kinh tế của gia đình ông bình quân đạt 830 triệu/năm.

Ông Vũ Đức Thuân, Chủ tịch UBND xã An Linh, cho biết: “Thật ra ông Tiền trong quá trình làm kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, có lúc thất bại nhưng ông vẫn không bỏ cuộc, tìm mọi cách xoay chuyển để phục hồi. Trong khó khăn, việc ông Tiền cũng như nhiều người dân mạnh dạn chuyển hướng sản xuất là hướng đi đúng, cần phát huy”. Với thành công của mình, ông Phạm Văn Tiền xứng đáng là tấm gương điển hình về hoàn thành tốt nhiệm vụ với vai trò đảng viên tiên phong, gương mẫu sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo và được bà con tín nhiệm.

 TIẾN HẠNH