Thành công từ nghề may gia công

Thứ ba, ngày 05/01/2021

(BDO)  Nhận thấy thị trường Bình Dương có điều kiện phát triển, lại sẵn có nghề về may gia công ba lô, túi xách, vợ chồng anh Hồ Quí Đảm đã mạnh dạn nghỉ việc tại công ty để mở cơ sở may gia công tại ấp An Phú, xã An Sơn, TP.Thuận An, mỗi năm cho thu nhập 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

 Cơ sở may gia công túi xách, ba lô, cặp học sinh của anh Hồ Quí Đảm góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

 Xuất thân ở Đà Nẵng, chàng thanh niên Hồ Quí Đảm khăn gói quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp. Cái duyên bắt đầu đưa anh đến với nghề may gia công khi anh mới chân ướt chân ráo đặt chân đến đất Sài Gòn, đó là làm thuê cho chủ cơ sở sản xuất chuyên về may ba lô, túi xách. Sau 5 năm làm việc tại đây, anh đã tích lũy được một số vốn và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Trong một chuyến đi đến Bình Dương chơi, anh đã gặp chị Trâm đang làm công nhân phòng mẫu, khâu cắt tại một công ty may của Nhật. Hai người có cùng nghề nghiệp, cùng chí hướng đã “phải lòng nhau”. Sau khi kết hôn, cả hai anh, chị đã nghỉ việc tại công ty, mở một cơ sở may gia công tại nhà ở đường An Sơn 15, ấp An Phú.

Thời gian đầu lập nghiệp, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn. Thị trường chưa có, vốn không nhiều, vợ chồng anh gom góp hết vốn tự có làm nhỏ lẻ trước. Đầu tư 1 máy may, tự mua nguyên liệu, tự may rồi tự đi bán, may được cái nào đi bán cái đó. Trời không phụ lòng người chịu khó, buôn bán dần có lợi nhuận anh chị đầu tư mua thêm máy may. Cứ mỗi năm anh chị mua thêm 3 bàn máy may và cho đến thời điểm này cơ sở đã có 30 máy, 35 lao động làm việc thường xuyên, ổn định. Thời gian bắt đầu gia tăng số lượng sản phẩm, anh chị phải khai thác, mở rộng thêm thị trường. Mất 1 năm đầu tiên hoàn toàn phải xin ký gửi hàng từ 10 - 20 cái ba lô, túi xách... tại các shop ở các chợ. Sau đó, các chủ shop bán được hàng và trở thành mối quen.

Hiện nay, thị trường đầu ra của cơ sở gia đình anh Đảm đã rất ổn định, bao gồm trường học các cấp, các đại lý phân phối cấp 1, cấp 2... trong đó thị trường Bình Dương chiếm 60%, 40% chia đều cho các tỉnh thành khác. Anh Hồ Quí Đảm chia sẻ: “Bình Dương là nơi phát triển sản xuất kinh doanh rất tốt. Số lượng công nhân làm việc tại Bình Dương rất đông, vào mùa tết tôi tập trung làm ba lô, túi xách để phục vụ đối tượng công nhân về quê ăn tết. Đến mùa học sinh đi học, tôi làm ba lô, cặp sách để cung cấp cho các trường học và nhận theo đơn đặt hàng của khách bao gồm in tên, chữ, logo công ty, trường học...”. Anh Đảm cho biết thêm, trong năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cơ sở gặp nhiều khó khăn về đầu ra nhưng vẫn luôn duy trì sản xuất, vẫn nhận nguyên liệu về để may nhằm tạo việc làm cho công nhân và để giữ nguồn lao động. Phần lớn sản phẩm làm ra trong mùa dịch đành phải cất giữ vào kho chờ đợi dịch qua mới đưa ra thị trường trở lại. May mắn đến thời điểm này mọi thứ đã ổn định, khó khăn đã qua đi.

Theo anh Đảm, nhu cầu thị trường ngày càng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, chất liệu, kích thước, cho nên cơ sở luôn lấy uy tín làm phương châm hoạt động, cùng với đó anh luôn cố gắng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong 3 năm anh đều đạt chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp thị xã (năm 2016 - 2018) và cấp tỉnh (cho bộ sản phẩm túi xách, ba lô) trong năm 2020 đã phần nào khẳng định được chất lượng sản phẩm và uy tín của cơ sở.

 Ông Đinh Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết: “Anh Hồ Quí Đảm kinh doanh, sản xuất giỏi, góp phần giải quyết việc làm, tạo mức lương ổn định cho người lao động. Anh cũng rất nhiệt tình đóng góp cho các hoạt động của xã. Anh luôn đồng hành hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã và các địa bàn lân cận, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

 ANH NHI