Thành công từ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

Thứ sáu, ngày 26/01/2018

(BDO) Thành công từ mô hình khảo nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình chị Nguyễn Như Ngọc, ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

 Từ lâu, sản xuất nông nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu, côn trùng, dịch bệnh xâm hại. Dưa lưới cũng như nhiều loại cây khác vốn được trồng theo phương thức truyền thống, năng suất, chất lượng thường bị ảnh hưởng do côn trùng, sương muối gây ra, khiến trái dưa lưới bị nám, dễ sâu bệnh. Do vậy, để hạn chế những tác nhân này, thời gian qua nhiều gia đình trong tỉnh đã áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ cao, kết quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Như Ngọc, ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng là một điển hình.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của chị Ngọc. Ảnh: HỒNG NGA

Chị Ngọc cho biết, trong một lần được đi tham quan mô hình trồng dưa lưới ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, chị rất tâm đắc với mô hình này. Khi về nhà, chị quyết định trồng thử nghiệm giống dưa lưới Thái với 2 nhà màng, trên diện tích rộng hơn 2 ha. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, vụ dưa đầu tiên trung bình một nhà màng chị thu hoạch được 1 tấn dưa, mỗi quả dưa nặng từ 1,2 - 1,8kg. Đến nay, trang trại dưa lưới của chị đã phát triển lên 14 nhà màng, với diện tích 320m2/nhà. Chị Ngọc chia sẻ, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nhà màng vào khoảng 90 triệu đồng; quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, bao gồm các công đoạn: Xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước, trong đó việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Mới áp dụng hơn một năm nay, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của chị Ngọc đã thu được những thành công bước đầu. Theo chị Ngọc, với 65 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Vốn đầu tư về hạt giống, gieo trồng, nhân công khoảng 15 triệu đồng/vụ/1 nhà màng. Sau một năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 1 tấn/1 màng, giá bán tại vườn hiện nay từ 26.000 - 35.000 đồng/kg dưa lưới; sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, 1 nhà màng cho lãi 30 - 35 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu đồng.

Chị Ngọc cho hay, chị sẵn sàng nhân rộng mô hình cho các hộ nông dân trong huyện có nhu cầu và muốn trồng dưa lưới theo mô hình này. Do được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo nên vườn dưa của chị cho năng suất cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và đầu ra ổn định. Hiện dưa lưới của chị chủ yếu được Công ty Rồng Đỏ đến thu mua ngay tại trang trại, sau đó được bán, phân phối lại cho các thương lái, siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Vừa qua, mô hình dưa lưới của gia đình chị Ngọc được kiểm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là điểm khởi đầu thuận lợi để sắp tới gia đình chị sẽ mở rộng hệ thống nhà màng lên 20 - 25 nhà màng nhằm tăng năng suất, thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mô hình khảo nghiệm dưa lưới của chị Ngọc bước đầu thành công, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương. Đây là mô hình khảo nghiệm dưa lưới đầu tiên ở huyện Dầu Tiếng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững ở địa phương.

HỒNG NGA