Thành công từ mô hình trồng bưởi tiêu chuẩn VietGAP

Thứ tư, ngày 04/12/2024

(BDO) Với bản tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước thành công từ nghề trồng bưởi, ông Châu Văn Lợi ở ấp Suối Con, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sang trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và đã thành công với mô hình này.

 Vườn bưởi của gia đình ông Châu Văn Lợi được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP

 Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Đến thăm mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao của ông Châu Văn Lợi, chúng tôi thật sự ấn tượng với cách làm của ông. Ông Lợi tâm tình, xuất phát từ mong muốn phát triển nông nghiệp sạch để góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, năm 2017 ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 ha cây cao su sang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, ông tiếp tục mở rộng vườn bưởi, đến nay đã tăng lên hơn 6 ha, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian đầu thực hiện mô hình trồng bưởi, do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp không ít khó khăn. Với bản tính cần cù, siêng năng, ông đã tìm hiểu kiến thức khuyến nông trên mạng internet, đi tham quan những mô hình trồng bưởi hiệu quả, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi do các cấp Hội Nông dân, ngành nông nghiệp tổ chức để chăm sóc vườn bưởi của mình đạt hiệu quả tốt nhất. Đến nay, mỗi năm vườn bưởi da xanh của ông cho thu hoạch khoảng 140 tấn bưởi, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Ông Lợi chia sẻ, đặc điểm của loại cây trồng này là dễ bị bệnh vàng lá, cho nên người trồng phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, xử lý sâu bệnh để vườn bưởi xanh tốt và đạt năng suất cao. Để vườn bưởi phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, trước hết cây giống phải sạch, đầy đủ rễ, có bộ lá tốt; tiếp đó khâu chăm sóc, bón phân bảo đảm phù hợp từng giai đoạn thì cây mới cho quả chất lượng tốt. Về cách phòng bệnh, người trồng bưởi cần thường xuyên theo sát quá trình tăng trưởng của cây để có giải pháp đề phòng các loại sâu bệnh xuất hiện và xử lý kịp thời.

Ông Lợi cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, giúp sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay xây dựng vườn bưởi đạt chuẩn OCOP là việc làm hết sức cần thiết. Bởi đây sẽ là một kênh tạo thương hiệu bưởi, thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị kinh tế mang lại cao hơn. Ngoài ra, sản phẩm có mã vạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng.

Tích cực chia sẻ kinh nghiệm

Không dừng lại với mô hình trồng bưởi da xanh, được biết ông Lợi dự định xây dựng khu vườn cây ăn trái của gia đình thành khu du lịch sinh thái để thu hút khách tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng, giới thiệu đến du khách về các loại cây ăn trái đặc trưng của vùng miền. Ông Lợi tâm sự: “Tôi muốn kết hợp du lịch sinh thái khi xây dựng mô hình cây ăn trái. Hiện tôi đang tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình kết hợp này. Tôi nghĩ, nếu có quyết tâm, tính toán kỹ càng thì sẽ thành công với mô hình này”.

Không chỉ giỏi về làm kinh tế gia đình, ông Lợi cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân ở địa phương để chia sẻ cùng hội viên về kinh nghiệm làm kinh tế gia đình. Ông thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật canh tác, tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho những nông dân chưa có kinh nghiệm trồng bưởi nhưng muốn gắn bó với nghề này tại địa phương.

Bên cạnh trồng bưởi, ông Lợi còn nuôi chim yến mang lại thu nhập khá, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, với mức lương hàng tháng từ 6 triệu đồng trở lên. Gia đình ông Lợi còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương.

 Bằng những nỗ lực của mình, nhiều năm liền ông Châu Văn Lợi nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen UBND huyện Phú Giáo, các cấp Hội Nông dân. Ông được trao Giải thưởng nông dân Bình Dương xuất sắc năm 2024.

 THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG