Thành công nhờ đa dạng mô hình sản xuất

Thứ tư, ngày 10/07/2024

(BDO)  Duy trì nghề nông nghiệp truyền thống của địa phương, người nông dân chăm chỉ học hỏi Phạm Duy Tình (ấp Suối Cạn, xã Cây Trường II) đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Anh Tình cho rằng, đầu tư nhiều mô hình khác nhau sẽ không bị phụ thuộc vào một lĩnh vực duy nhất, hạn chế ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.

 Được huyện hỗ trợ giống cây, phân bón, kỹ thuật, anh Tình (bìa phải) mạnh dạn thay thế vườn cao su đến thời kỳ thanh lý sang trồng sầu riêng trên diện tích đất hơn 1 ha

 Với 1 trại heo lạnh, hơn 1 ha cây cao su và 1,5 ha cây sầu riêng của gia đình anh Tình chắc hẳn là mơ ước của nhiều nông dân. Nhưng ít ai biết rằng, để có được mô hình kinh tế ổn định, bền vững như ngày hôm nay, anh Tình đã phải trải qua nhiều khó khăn, nỗ lực không ngừng.

Nhớ về thời gian đầu lập nghiệp, anh Phạm Duy Tình chia sẻ, sau nhiều năm làm công nhân cạo mủ cao su, năm 2000, anh mạnh dạn trồng hơn 1 ha cao su trên mảnh đất của gia đình tích cóp mua được. Cùng với đó, anh nuôi hàng trăm con heo để bảo đảm thu nhập. Tuy nhiên, kinh tế gia đình chỉ thực sự bứt phá kể từ khi anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trại heo lạnh liên kết chăn nuôi cùng một công ty.

“Thời gian đầu khi tôi quyết định chuyển sang nuôi heo lạnh gia đình ai cũng phản đối vì vốn đầu tư quá lớn. Tuy nhiên, vốn có kinh nghiệm nhiều năm nuôi heo lại tìm hiểu kỹ mô hình này tôi vẫn quyết tâm làm. Năm đầu tiên tôi chỉ làm một trại và không dám thuê mướn nhân công. May mắn tôi đã làm thành công và có lợi nhuận. Năm thứ 2 tôi quyết định đầu tư trại thứ 2. Hiện nay, trừ tất cả chi phí mỗi năm gia đình thu về 2-3 tỷ đồng”, anh Tình nói.

Với nguồn vốn tích góp có được, năm 2018 anh Tình lại tiếp tục đầu tư trồng thêm 1 ha cây cao su, vốn là cây truyền thống chủ lực của địa phương. Thu nhập từ cây cao su tuy không cao bằng nuôi heo lạnh nhưng anh Tình cho rằng: “Mỗi mô hình kinh tế đều có tiềm năng sinh lời riêng, việc đa dạng hóa giúp tôi khai thác nhiều nguồn thu, gia tăng lợi nhuận. Hiện nay, giá mủ cao su đã tăng dần khiến người nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả cây truyền thống của địa phương”.

Năm 2024, nắm bắt cơ hội từ chính sách hỗ trợ giống cây sầu riêng và phân bón của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, anh Tình quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 1 ha cây cao su đến thời kỳ thanh lý sang trồng 165 cây sầu riêng giống Monthong của Thái Lan. Để chăm sóc cây, anh Tình đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động. Sử dụng hoàn toàn phân vi sinh để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, đất đai thổ nhưỡng cũng phù hợp trồng loại cây này, anh Tình hy vọng sắp tới sẽ có những mùa bội thu từ vườn sầu riêng.

Ngắm nhìn ngôi nhà khang trang cũng như vườn cây rộng lớn của gia đình anh Tình, chúng tôi thầm khâm phục nghị lực và lòng quyết tâm của anh. Công việc chăn nuôi của anh Tình giờ đây khá vững vàng, vườn cao su thu nhập ổn định, mô hình trồng sầu riêng cũng kỳ vọng cho thành công mới. Hiện nay, ngoài thu nhập tiền tỷ mỗi năm, gia đình anh Tình còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

 Ông Trần Đình Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Suối Cạn cho biết, để giúp nông dân phát triển làm giàu trên mảnh đất quê hương, huyện thường xuyên hỗ trợ tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giống cây. Các địa phương như Tân Hưng, Hưng Hòa, Lai Uyên được quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị. Việc ứng dụng công nghệ cao phát triển cây trồng trên diện tích đất lớn được thực hiện ở các xã còn lại, trong đó có Cây Trường II. Anh Phạm Duy Tình là một trong những nông dân điển hình, không ngừng học hỏi và thích nghi với những xu hướng mới để thành công trong phát triển kinh tế.

 HẠNH NHI - PHÚ HÀO