Thanh cao nghề giáo

Thứ bảy, ngày 21/11/2015

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) đã qua nhưng hình ảnh về những người thầy vẫn ngày ngày tận tụy trên bục giảng vì đàn em thân yêu còn đọng mãi trong lòng chúng tôi. Trong những lần tiếp xúc với những người thầy ấy, câu chuyện của họ đã làm chúng tôi nghẹn ngào và chưa nói được một lời chúc trọn vẹn nhân ngày nhà giáo. Và hôm nay, chúng tôi xin được một lần tri ân thầy cô, người cho ta tất cả…


Cô Phạm Thị Loan dù về hưu từ 2011 nhưng vẫn tiếp tục đưa tri thức đến với học sinh tại trường TH Phan Chu Trinh (TX.Thuận An).
Ảnh: S.ANH

Hội Cựu giáo chức TX.Thuận An đang là ngôi nhà chung cho 345 hội viên, họ đang tiếp tục sinh hoạt tại đây như được dõi theo thế hệ đàn em hoàn thành tốt công việc của mình. Mỗi quý, họ cùng gặp gỡ, giao lưu chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, cùng bàn luận những cải cách nghề nghiệp để giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu. Hiện tại, hội viên trên 80 tuổi lên đến 17 nhà giáo, trong đó cao tuổi nhất là cô Đỗ Thị Phấn, 94 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Vì thế, hội vẫn thường xuyên có những cuộc gặp mặt như nhắc nhở thế hệ trẻ về đạo đức nghề nghiệp. Hội Cựu giáo chức TX.Thuận An luôn tích cực, động viên nhau tham gia nhiều hơn nữa hội khuyến học của địa phương nhằm hỗ trợ cho các cháu, các em thêm nghị lực, niềm tin để đến trường. Cô Nguyễn Trinh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TX.Thuận An nói: “Tuy đã đến tuổi hưu nhưng hội vẫn còn nhiều những nhà giáo tâm huyết với nghề, vẫn tiếp tục làm hợp đồng, đứng lớp mang con chữ đến học trò khi thấy sức khỏe vẫn còn tốt và mỗi ngày đến trường họ lại cảm thấy thật sự vui...”.

Từ giới thiệu của cô Trinh, chúng tôi tìm gặp được hai nhà giáo đặc biệt: cô Trần Hoài Hoa và cô Phạm Thị Loan. Sở dĩ chúng tôi nói đặc biệt là do, đáng lẽ ra hai cô đã được an nhàn, nghỉ ngơi khi cả đời đã cống hiến nhưng họ lại tiếp tục bám trường, bám lớp. Cô Hồ Thị Diệp Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lái Thiêu chia sẻ: “Tôi là học trò của cô Hoa, một thời ngưỡng mộ sự nhiệt tình, năng động trong công tác phong trào. Hơn thế nữa đó lại là tình yêu của cô dành cho các thế hệ học trò. Hiện tại lại là đồng nghiệp của cô, đó cũng là niềm vinh dự, hạnh phúc cho tôi...”. Trò chuyện cùng cô Trần Hoài Hoa, bao kỷ niệm chợt ùa về làm chúng tôi cũng nghẹn ngào. Cô Trần Hoài Hoa nói: “Hạnh phúc là được đứng trên bục giảng, mong rằng mình còn thật nhiều sức khỏe để mang tri thức đến cho trẻ…”. Và cô luôn chia sẻ cùng chúng tôi, ngày nay công nghệ hiện đại nên việc giáo dục con trẻ cũng cần phải thay đổi nhiều. Trong đó, nhà trường, bố mẹ cần quan tâm nhiều để các con thật sự nên người.

Câu chuyện của cô Hoa làm cho chúng tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn để không phụ lòng tốt của họ dành cho mình. Còn với cô Phạm Thị Loan, giáo viên nghỉ hưu dạy hợp đồng tại trường Phan Chu Trinh (TX.Thuận An), một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng khiến cho những người làm báo như chúng tôi phải lặng người đi vì vẫn chưa đủ thời gian làm hết nhiệm vụ của mình. Cô nói: “Lần đầu tiên được “nhà báo” phỏng vấn nên run lắm, nhưng hạnh phúc lắm vì đến tuổi này rồi mà vẫn còn có người quan tâm…”.

Và nhằm tạo sự thoải mái cho cô, chúng tôi đã trò chuyện rất lâu cùng cô để bao câu chuyện về nghề được cô chia sẻ đầy trân trọng. Với cô dường như kỷ niệm nào cũng đẹp, bởi tình yêu thương học trò đang là nguồn sống, không có học trò cô độc lắm nhà báo à!

Trước khi chia tay, cô Loan cũng không quên gửi cho chúng tôi những lời nhắn nhủ cùng đồng nghiệp của mình, những thầy cô giáo thế hệ sau hãy luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức và luôn yêu thương học sinh như yêu chính bản thân mình. Có như thế chắc chắn sẽ có nhiều thế hệ học trò thành danh và họ luôn nhớ đến những người “đưa đò” thầm lặng.

Với những người thầy đầy tâm huyết họ vẫn mong có thật nhiều sức khỏe, có những ngôi trường vẫn tiếp tục chào đón họ để tri thức được trao đi, cuộc sống của họ sẽ thêm nhiều điều hy vọng. Nhân ngày 20-11, một lần nữa xin gửi đến quý thầy cô thật nhiều sức khỏe, luôn cảm thấy hạnh phúc với nghề giáo đầy trân trọng của bao thế hệ học sinh dành cho mình.

SONG ANH