Thanh cao nghề dạy học
Dạy học là một nghề cao quý trong số những nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Để được xã hội quý trọng, người thầy luôn trau dồi đạo đức, nghề nghiệp, giữ chuẩn mực là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ba nhà giáo chúng tôi gặp dưới đây đại diện cho đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà luôn tận tâm, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Cô Võ Thị Bích Hiền: Sống trọn với nghề
(BDO) Nhắc đến cô Võ Thị Bích Hiền, giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Hùng Vương, các thế hệ HS trường chuyên Hùng Vương đều dành cho cô tình cảm thân thương và quý trọng, bởi cô là mẫu nhà giáo luôn sống trọn với nghề đã chọn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, từ nhỏ cô Hiền đã mơ ước có ngày trở thành cô giáo. Có lẽ do ảnh hưởng từ ba mẹ đều là giáo viên, cô Hiền học rất giỏi. Cô đã chính thức chạm đến ước mơ khi thi đậu vào trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Năm 1989 ra trường cô được phân công về giảng dạy môn văn tại trường THPT Thái Hòa, TX.Tân Uyên, nơi quê hương cô sinh sống. Trong 6 năm công tác tại trường cô đã thể hiện năng lực khi 5 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Không để phí một tài năng, cô đã được Sở GD-ĐT điều động về giảng dạy tại trường THPT chuyên Hùng Vương cho đến nay. Về ngôi trường này cô tiếp tục tỏa sáng. Để đào tạo nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, cô luôn tìm tòi và cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới như: tổ chức bài tập chuyên đề dưới dạng nghiên cứu khoa học; tổ chức thuyết trình nhóm, hái hoa dân chủ khi dạy chuyên đề hoặc ôn tập; tổ chức các hoạt động ngoại khóa… Cháy hết mình với nghề, cô say mê bồi dưỡng HS giỏi. Quả thật, hiếm có giáo viên nào dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để chăm lo cho HS như cô. Đó là, cô đã dành hơn 100 tiết bồi dưỡng HS giỏi cấp tỉnh trong khi tiêu chuẩn chỉ có 40 tiết; tự tìm tòi trang bị trên 100 sách quý cho HS mượn, in tài liệu cho học sinh tham khảo. Em Yến Nhi tâm sự: “Những kiến thức mà cô truyền cho chúng em đâu đơn thuần chỉ là những dòng chữ soạn trước trong trang giáo án. Tất cả những điều ấy cô lấy từ gan ruột, từ nỗi lòng, tình thương của chính mình để thắp nên ngọn lửa cho chúng em”. Được sự vun bồi kiến thức của cô, từ năm 1996 đến nay đội tuyển HS giỏi do cô bồi dưỡng đã đạt 120 giải, trong đó có 18 em đạt giải cấp quốc gia, 24 giải khu vực.
Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, đã 7 lần cô đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 7 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 25 bằng khen cấp tỉnh, năm 2014 cô vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Cô Vũ Thị Hồng Hoa: Phấn đấu không mệt mỏi
Cô Vũ Thị Hồng Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Định, TX.Bến Cát là một trong số những nhà giáo chúng tôi thật sự ngưỡng mộ, bởi tuổi đời cô còn khá trẻ, nhưng bề dày thành tích thì khó ai sánh kịp. Cô đã được Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Cao quý hơn, vào tháng 5-2016, cô đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, vì những đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà.
Từ khi còn là giáo viên dạy lớp, cô Hồng Hoa đã thể hiện năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề. Cô đã đạt giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức cấp tỉnh; đạt giải nhì hội thi làm đồ dùng dạy học vòng tỉnh. Với cô, làm đồ dùng dạy học là một đam mê, qua nhiều năm giảng dạy cô đã làm 176 đồ dùng, áp dụng hiệu quả vào giảng dạy. Thấy được năng lực của cô, từ năm học 2012-2013 cô được cấp trên đề bạt phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Ở vai trò mới, cô tiếp tục phát huy năng lực của người cán bộ quản lý, đồng thời tiếp tục học tập, nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong công tác viết và áp dụng sáng kiến, cô tâm đắc nhất là đề tài “Biện pháp chỉ đạo công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở trường Tiểu học Tân Định”. Qua đề tài này đã đem lại những kết quả đáng kể. Theo cô, muốn chỉ đạo tốt hoạt động chuyên môn thì trước hết người quản lý phải có sự kiên trì, nỗ lực tìm hiểu, có lòng yêu nghề, luôn quan tâm đến giáo viên, hiểu được tâm lý của giáo viên để giúp giáo viên nhận thức rõ, đúng vấn đề và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với công tác bồi dưỡng giáo viên đặc biệt là phương pháp giảng dạy là một vấn đề khó và phức tạp cần phải có sự kiên trì và đầu tư mọi mặt. Người cán bộ quản lý phải biết động viên, khích lệ khen chê kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thầy cô được bồi dưỡng chuyên môn biết thông cảm, chia sẻ những khó khăn mà đồng nghiệp gặp phải. Đồng thời người quản lý cũng phải không ngừng học hỏi, tự học, tự rèn nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý để có thể thích ứng với các tình huống sư phạm.
Với cô Hoa, dù đã đạt được nhiều thành tích như đã nêu trên nhưng chưa bao giờ cô thấy hài lòng về mình, mà tiếp tục tự học tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn: Dạy học là đam mê
Tính đến năm 2016, thầy Nguyễn Văn Tuấn, giáo viên dạy môn lịch sử trường THPT Trần Văn Ơn (TX. Thuận An) đã có 38 năm đứng trên bục giảng. Đến giờ này thầy cảm thấy mãn nguyện vì đã đem hết tâm huyết, trí tuệ, thổi vào hồn tình yêu lịch sử nước nhà và niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Tâm sự với chúng tôi thầy kể, từ thời còn học phổ thông thầy đã bị cuốn hút vào những bài học lịch sử bởi người thầy dạy hay, truyền cảm, đặc biệt là với bài vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Học xong lớp 12 thầy quyết định chọn ngành sử, dù có năng khiếu ở các môn tự nhiên. Chọn nghề dạy học và dạy môn xã hội là chấp nhận cuộc sống khó khăn, nhưng thầy Tuấn vẫn dấn thân để thỏa niềm đam mê.
Ngày nay nhiều học sinh (HS) không thích học môn sử, nhưng với HS trường THPT Trần Văn Ơn luôn trông chờ đến giờ học sử để được nghe thầy Tuấn kể chuyện lịch sử qua những bài học. Kinh nghiệm của thầy là, để HS thích học sử, trước tiên người thầy phải vui vẻ, gần gũi, quan tâm và tâm sự với các em. Trong quá trình dạy thầy không gắt gỏng với HS, giải thích cho các em hiểu học sử có lợi cho cuộc sống. Để lôi cuốn học trò, thầy thiết kế bài giảng phù hợp, hấp dẫn. Thực hiện cải tiến phương pháp giảng dạy, thầy soạn bài giảng power point. Sử dụng phim lịch sử cho nhiều bài học để bài giảng phong phú nhằm phát triển năng lực quan sát, tư duy cho HS.
Đam mê với nghề, thầy Tuấn viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy. Nổi bật nhất là năm học 2015-2016 với sáng kiến “Kinh nghiệm vận dụng các năng lực dạy học để nâng cao chất lượng học tập lịch sử trong trường THPT Trần Văn Ơn” được xếp loại B cấp tỉnh. Đây là những kinh nghiệm vận dụng các năng lực chuyên môn của giáo viên, năng lực cải tiến phương pháp dạy học gắn liền với cải tiến soạn giảng theo hướng tin học hóa, tích hợp liên môn, thực hiện bài giảng power point làm cho tiết học sinh động hơn, sẽ giảm nhiều sự thuyết giảng để hình thành tư duy lịch sử của HS sẽ giúp các em học chủ động, hiểu kiến thức lịch sử để học nhanh, hiểu sâu nhằm nâng cao chất lượng học tập, qua đó góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục. Kết quả, tỷ lệ HS từ trung bình trở lên ở môn học này đạt tỷ lệ 88,08%, tỷ lệ HS khá giỏi đạt tỷ lệ 52,98%.
A.SÁNG