Thanh An thay màu áo mới...
(BDO) Lãnh đạo UBND xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng cho biết tính đến cuối tháng 11-2020, các mô hình kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thành tích đáng kể.
Thanh An nay đã đổi khác, giàu đẹp và hiện đại hơn xưa
Hạ tầng hoàn thiện
Trên địa bàn xã Thanh An, những con đường đất ngày nào đã và đang được thay thế bằng những con đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp, rộng rãi, những ngôi nhà mái lá lụp xụp ngày nào cũng đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiểu Thái được xây mới khang trang. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết phát huy tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo huyện, trong năm 2021, UBND xã Thanh An sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện và cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện - đường - trường - trạm nhằm nâng cao đời sống của người dân. “Hiện nay, xã đã trình xin huyện chủ trương mở rộng, nâng cấp, nhựa - bê tông hóa thêm một số tuyến đường để việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Thanh Dự chia sẻ.
Được biết, trong năm 2020, chính quyền địa phương xã Thanh An đã phối hợp các ngành tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng các mô hình năm 2021. Đến nay, đã có 8/8 ấp của xã triển khai xây dựng được 9 công trình, gồm 2 công trình đường giao thông nông thôn, 4 công trình chiếu sáng và 3 công trình trồng hoa tổng chiều dài 4.650m trên các tuyến đường, ngõ xóm với 262 lượt người người tham gia, tổng vốn vận động 641 triệu đồng.
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Về Thanh An mới thấy, hầu hết những mô hình kinh tế nông nghiệp truyền thống đều đã “đổi màu”, hiện nay phần lớn nông hộ trên địa bàn xã đều đã ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Để có được một Thanh An giàu đẹp như ngày nay, các nông hộ đều không thể quên việc hội nông dân và chính quyền địa phương mời các kỹ sư nông nghiệp từ huyện, tỉnh về mở lớp đào tạo, nâng cao kiến thức, tay nghề cho bà con. Ông Nguyễn Văn Khênh, một hộ trồng măng cụt trên địa bàn xã, cho biết từ ngày được các kỹ sư nông nghiệp truyền đạt những kiến thức mới về việc trồng, chăm sóc và thu hoạch măng cụt theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, sản lượng và giá thành sản phẩm của vườn măng cụt nhà ông đã có sự gia tăng đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng kỳ vọng thời gian tới các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn xã Thanh An nói riêng và toàn huyện nói chung sớm đạt được tiêu chuẩn sản phẩm sạch theo quy định của VietGAP để tạo nên đặc sản mang thương hiệu Dầu Tiếng nói riêng và Bình Dương nói chung. Dẫu rằng cao su vẫn là cây trồng chủ lực của xã (3.550 ha), nhưng theo định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, diện tích cao su sẽ giảm bớt và thay thế vào đó là những vườn cây ăn trái, những trang trại tổng hợp được đầu tư theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Thống kê của UBND xã Thanh An cho biết hiện trên địa bàn xã có khoảng 67 ha cây ăn trái, chủ yếu là các loại cây có múi, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Thu nhập mang lại từ những vườn cây ăn trái này tăng tương ứng khoảng 60 - 100% so với diện tích trồng cao su.
Ngành chăn nuôi của xã Thanh An cũng đánh dấu cột mốc phát triển đáng lưu tâm. Theo đó, sau khi được phổ cập kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi bao gồm kiến thức sinh học vật nuôi, phương pháp phòng, chống dịch bệnh, các nông hộ đã phát triển, mở rộng số lượng đàn gia súc, gia cầm với quy mô lớn hơn những năm trước, đặc biệt là phát triển đàn bò sinh sản.
ĐÌNH THẮNG