Tháng tư về với địa chỉ đỏ

Thứ sáu, ngày 12/04/2024

(BDO) Tháng tư, có dịp trở về với những địa chỉ đỏ, thế hệ trẻ thêm hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự hào hơn về thế hệ đi trước, nhắc mình sống tốt, có trách nhiệm hơn, xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh cho hòa bình hôm nay.

Vừa qua, nhóm sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một có dịp tìm về với Di tích Nhà tù Phú Lợi, một trong những địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh. Đến đây, chúng tôi được nghe, đọc, tìm hiểu về những tội ác của kẻ thù, thẩm thấu nỗi đau mà các chiến sĩ cách mạng, những người dân yêu nước ngày nào phải gánh chịu.

Nhà tù Phú Lợi được chế độ Ngô Đình Diệm lập nên vào năm 1957, hoạt động trong 8 năm (1957 đến 1964). Tại đây, kẻ thù đã áp dụng những cực hình tàn khốc nhất đối với đồng bào, chiến sĩ cách mạng kiên trung. Rất nhiều câu chuyện về tội ác của kẻ thù lưu truyền mà mỗi lần nghe đến lại dấy lên ngọn lửa căm hờn. Đặc biệt là sự kiện đầu độc tù nhân bằng cách trộn lẫn thuốc độc vào trong khẩu phần ăn, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người yêu chuộng hòa bình trong nước và quốc tế.

Mỗi một chứng tích ở Nhà tù Phú Lợi đều thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Thế hệ trẻ chúng tôi khi được đặt chân đến, được tìm hiểu về nơi này là thêm một lần được thắp lửa tự hào. Ở Di tích Nhà tù Phú Lợi có bức tượng rất đặc biệt của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Bức tượng đồng cao 3,5m, nhân vật là một nam, một nữ. Người phụ nữ đã trúng độc, ngã trên tay bạn tù của mình. Tù nhân nam tay trái đỡ bạn, tay phải giương cao lên trời, khuôn mặt, ánh mắt đanh thép, tất cả như đang vẽ nên bức tranh bi hùng khó phai.

Thế hệ trẻ là chủ nhân của đất nước, có nhiệm vụ và sứ mệnh tiếp tục truyền thống, đóng góp sức mình cho công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước. Nhưng trước hết, mỗi người trẻ hãy thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công ơn của bậc cha ông, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa trong học tập và lao động.

LÊ NAM