Tháng tư về thăm “Tỉnh lỵ kháng chiến” Vĩnh Lợi
(BDO) Chiến khu Vĩnh Lợi, Tân Uyên - một di tích lịch sử được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến” của vùng đất Sông Bé - Bình Dương anh hùng. Bởi đây là nơi tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hiện nay, Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được xây dựng trang nghiêm, là một “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau tri ân, noi gương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, đất nước...
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi
Nhớ một thời hào hùng
Những ngày tháng tư đầy nắng này, chúng tôi về thăm Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, TX.Tân Uyên. Đường nhựa thẳng tắp, phẳng phiu đưa chúng tôi đến đây nên khó có thể hình dung nơi đây từng là rừng núi hoang vu. Gặp một khu di tích lịch sử trang nghiêm giữa một vùng mênh mang nắng gió bỗng thấy tự hào thay một thời oanh liệt của người dân, chiến sĩ cách mạng đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Trên đường đến Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, chúng tôi ghé thăm ông Nguyễn Chí Công, một cựu chiến binh hiện sống tại ấp 4 xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Ông Công cho biết, quê ngoại ông ở ấp 3, Vĩnh Tân, tức là vùng Chiến khu Vĩnh Lợi xưa nên ông rành rẽ vùng đất này từ nhỏ. Ông sinh năm 1948, là cựu binh thuộc Tiểu đoàn 2 Phú Lợi. Ông Công bị địch bắt giam từ năm 1969 đến 1973 thì được trao trả tù binh, tập kết ra Bắc ở Tuyên Quang. Năm 1974, ông vui mừng khi được điều về miền Nam đánh Mỹ cứu nước cùng đồng đội. “Chúng tôi ngày đó, những chiến sĩ miền Nam ra Bắc trước 1975, không có gì vui mừng hơn là được trở về sát cánh cùng bà con mình chiến đấu, giải phóng quê hương. Tôi được điều về Chiến khu Vĩnh Lợi, ngay quê ngoại của mình đã gắn bó từ tuổi thơ nên càng tự hào, sung sướng hơn nữa” - ông Công chia sẻ.
Kể về Chiến khu Vĩnh Lợi, ông Công thuộc làu làu như một “pho sử sống”. Ông nói, chiến khu này có từ hồi Pháp thuộc. Đó là một nơi mà một người dân là một chiến sĩ, rất bí mật, không một ai có thể lọt vào được. Người dân kiên cường bảo vệ cơ sở cách mạng của ta. Tấm lòng của người dân ở đây với cách mạng có thể nói là vô cùng trung kiên, anh dũng và hết lòng giúp đỡ các lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng. Ông Công dẫn chứng; người dân họ cấy lúa xong đến mùa gặt, hễ thu hoạch được 10 bao thì chỉ kéo về nhà nhà 6 - 7 bao. Còn lại vài bao bà con chôn dưới đất để bộ đội đến lấy về. Ăn cơm thì bà con nhịn một bữa để dành gạo sung vào “Hũ gạo nuôi quân”. Khoai sắn cũng được “để phần” cho chiến sĩ cách mạng khi họ cứ trồng ra đó rồi... quên thu hoạch! Bởi thế, dù thời chiến nhưng cái ăn ở vùng này không quá lo lắng khi tấm lòng người dân bao la như thế. Những năm từ 1974-1975, ông Công là người địa phương nên được phân công về “nằm vùng”, hỗ trợ các chiến sĩ giải phóng quân từ bên ngoài kéo quân về. “Cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tôi thấy rằng dựa vào dân luôn là một cách làm đúng đắn, vững vàng nhất bởi không có người dân thì không thể có một hậu phương chắc chắn cho tiền tuyến. Dù bị địch bắt vào ấp chiến lược, người dân vẫn bí mật cung cấp lương thực, làm tai mắt cho cán bộ ở chiến khu” - ông Công nhận xét.
TS Nguyễn Văn Thủy, Trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trong quyển sách ông đã viết về vùng này thì Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành vào năm 1946, là một vùng đất cao ráo, được xây dựng giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi 2 con suối là: Suối Cái (suối Cầu Thợ Ụt), và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam, hướng đông - tây có 2 trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa.
Căn cứ Vĩnh Lợi là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của xã, huyện và tỉnh, nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, được mệnh danh là Tỉnh lỵ kháng chiến. Ở đây hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. Phía bắc Vĩnh Lợi có Bến Xoài, phía tây nam có ấp 3 Tân Hiệp, phía đông bắc có ngã tư Bến Sắn. Ta chủ trương cho họp chợ nơi đây vào mỗi buổi sáng để phục vụ đời sống nhân dân trong vùng căn cứ.
Chiến khu Vĩnh Lợi là căn cứ của Huyện ủy Châu Thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiến khu Vĩnh Lợi - Vĩnh Tân đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần vào thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.
Và một “địa chỉ đỏ” xứng danh vùng đất anh hùng
Chiến khu Vĩnh Lợi là biểu tượng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Châu Thành và tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương. Với một địa danh anh hùng như thế, việc xây dựng Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm để ghi dấu ấn một thời hào hùng, để giáo dục cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước, hy sinh vì non sông của cha ông.
Anh Đinh Quốc Phú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên cho biết, khu di tích này được xây dựng trên những dấu tích năm xưa, bao gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ tưởng niệm, nhà bia ghi danh, sân hành lễ, khu vực trồng cây xanh, đất giao thông, bãi xe và phục chế lại hệ thống địa đạo, giao thông hào, hầm chiến đấu… Đây là việc làm hết sức ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy di tích, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương về một thời đấu tranh giành tự do độc lập của thế hệ cha anh đi trước.
Ở đây được biết đến như một nơi để giới thiệu về lịch sử địa phương. Các buổi lễ kết nạp Đảng, đoàn viên thanh niên cũng được các trường, cơ quan tổ chức để tạo thêm phần trang trọng. Đây cũng là điểm thường được tổ chức cắm trại, về nguồn lý tưởng với nhiều hoạt động hữu ích cho các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh.
Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi tọa lạc tại ấp 3, Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, cách trung tâm TX.Tân Uyên khoảng 13km. Di tích này được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3873/QĐ-UBND ngày 7-12-2010. Diện tích hơn 5,5 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Khởi công xây dựng từ năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2016. Năm 2018, di tích này đón hơn 10.000 lượt khách tham quan.
QUỲNH NHƯ