Thăng trầm tranh sơn mài Bình Dương

Thứ ba, ngày 27/11/2018

(BDO) Cùng với sự phát triển của xã hội, xu hướng thẩm mỹ, yêu thích của con người về hội họa cũng khác đi. Thế nên mới có những nghề lắm thăng trầm, trong đó có nghề làm tranh sơn mài. Tuy nhiên, may mắn thay vẫn còn đó những người đam mê dòng tranh truyền thống này để lưu truyền cho hậu thế...

Thương hiệu nổi tiếng một thời

Theo sử liệu địa phương thì đến giữa thế kỷ XVIII, những lưu dân từ miền Bắc, từ xứ Ngũ Quảng đã xuôi theo dòng sông Sài Gòn đến tụ cư, lập nghiệp ở huyện Bình An (Thủ Dầu Một). Trong số đó, có nhiều người tìm về vùng đất Tương Bình Hiệp cùng hợp sức khai phá đất, làm nông nghiệp dọc theo triền sông Sài Gòn. Đến năm 1861, khi Pháp chiếm huyện Bình An thì địa danh Tương Bình Hiệp mới xuất hiện và trở thành 1 trong 10 xã, thôn của tổng Bình Thổ thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Đến cuối thế kỷ XVIII, theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn mài từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa đã mang theo nghề sơn vào tận xứ Đồng Nai, Gia Định, trong đó có Tương Bình Hiệp. Làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, thợ sơn mài nổi tiếng khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh. Kỹ thuật sơn mài được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Các họa sĩ nhận giải thưởng Mỹ thuật Đông Nam bộ, có đóng góp cho tranh sơn mài Bình Dương

Nghề sơn mài Bình Dương tiếp tục nức tiếng gần xa nhờ sự đóng góp của những nghệ nhân tài hoa, xuất sắc như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Nam và một số thầy giáo trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một như: Châu Văn Trí, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền, Nguyễn Hữu Sang... Đó cũng là những họa sĩ đã góp phần đưa sơn mài bước sang một giai đoạn mới, mẫu mã sản phẩm ngày một đa dạng, nổi tiếng. Sơn mài Tương Bình Hiệp trở thành thương hiệu nổi tiếng một thời. Theo họa sĩ Nguyễn Hữu Sang (TP.Thủ Dầu Một) thì sơn mài truyền thống gồm nhiều thể loại như: Sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc… Sơn truyền thống dùng ở Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước. Khi đã có nguyên liệu sơn, tùy theo loại sản phẩm mà cốt được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như: Gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm thường có kiểu dáng nhẹ, mỏng... Sau công đoạn phất vải, người thợ phải qua 5 công đoạn sơn: Sơn bó, sơn hom, sơn lót, sơn quang thí, sơn quang và sau mỗi lớp sơn đã khô đều phải đem ra mài nước. Công phu vất vả như thế mới có được một bức tranh sơn mài.

Sơn mài truyền thống đang thiếu vắng dần

Tuy nhiên, những năm vừa qua, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều doanh nhân, nghệ nhân đã có những biện pháp để sản xuất sơn mài hàng loạt. Mẫu mã phải luôn luôn mới, đáp ứng cho mọi loại hợp đồng và khách hàng trong, ngoài nước. Nhiều họa sĩ lo lắng, trong sự nhộn nhịp của thị trường sơn mài áp dụng kỹ thuật mới, sơn mài truyền thống làm từ chất liệu sơn ta đang thiếu vắng dần. Một điều đáng lo nữa là lớp thợ trẻ bây giờ ít người còn tâm huyết với nghề sơn mài truyền thống. Vì dùng sơn ta giá thành cao, kỹ thuật pha chế lại phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức nên ngày nay, đa phần các cơ sở đều dùng sơn Tây - loại sơn hạt điều làm chất liệu chính cho sơn mài, vì loại sơn hóa chất đáp ứng được màu sắc, cho ra sản phẩm nhanh, không mất nhiều công, giá thành lại rẻ. Đây cũng là điều trăn trở về một làng nghề truyền thống đang dần mai một.

Điều đáng mừng là nhiều họa sĩ vẫn “chung thủy” với chất liệu sơn ta và họ luôn miệt mài sáng tác những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao. Các họa sĩ hiện nay vẫn đam mê, gắn bó với sơn mài truyền thống có thể kể đến như Nguyễn Hữu Sang, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Tấn Công... Đó cũng là các họa sĩ sơn mài là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Văn Quý nhận xét, trong khoảng hơn 40 năm nay, các họa sĩ Bình Dương đã nâng nghề sơn mài từ một nghề thủ công thực dụng lên mức nghệ thuật tạo hình có thể vẽ các thể loại, diễn tả tình cảm hiện thực rất phong phú, đặc sắc. Một phần nhờ vào sự đồng lòng và quyết tâm của các họa sĩ đều dùng chất liệu sơn ta xuyên suốt trong tác phẩm của mình. “Tính truyền thống có trong từng đường nét, sắc màu, chất liệu đã được các thế hệ trước khai thác triệt để qua vẻ lung linh huyền ảo, ẩn chứa sâu kín dưới tầng tầng, lớp lớp chất vàng, bạc, son, trai, trứng… óng ả, lộng lẫy. Tranh sơn mài tạo nên được no về chất, đầy về lượng, sâu thẳm về không gian mới gọi là đạt yêu cầu và những ai mê sơn mài thật sự vẫn chọn loại tranh truyền thống”, họa sĩ Quý chia sẻ.

QUỲNH NHƯ