Thăng trầm nghề MC

Thứ năm, ngày 28/10/2010

Hiện nay, nghề MC được coi là một nghề “hot” bởi thu nhập khá hấp dẫn các bạn trẻ. Nhưng có đi thực tế mới hiểu hết được khó khăn, gian khổ mà các MC phải trải qua để đạt được mức cát-sê cao như Quyền Linh, Quỳnh Hương (ảnh), Lại Văn Sâm, Thanh Bạch...

Buổi tối có dịp la cà ở các quán bar, phòng trà hát với nhau chắc hẳn người xem nhớ nhất là MC, bởi họ xuất hiện ở đây rất sớm để chuẩn bị chờ đến giờ mở màn và họ cũng là người về sau cùng khi chương trình kết thúc. Lấy nghệ danh là Kiều Nữ (MC của một quán bar, Q1, TP.HCM) chị tâm sự: “Mình dẫn chương trình một tuần, nghỉ một tuần theo quy định. Tiền chủ trả chỉ tượng trưng, mình sống nhờ vào tiền bo của khách, những lúc không ai lên hát mình phải lên hát để làm mồi cho chương trình. Nếu có mối quan hệ rộng kéo khách về cho quán thì lúc đó mới đứng được ở đây lâu...”. Nghề MC thu hút một lượng lớn là các bạn sinh viên trường sân khấu. Để có tiền trang trải cho học phí, nhiều bạn tranh thủ làm MC cho các chương trình đám cưới, bạn Trung tâm sự: “Nhờ quen biết nên mình mới được vô đây làm MC, mỗi chương trình cát-sê khoảng vài trăm ngàn, nhưng cực lắm phải nói liên hồi. Nhưng làm được vài tháng phải nghỉ vì phải đổi ê-kíp...”. Một bạn diễn viên làm MC tên Thư tâm sự: “Mỗi chương trình thu hình mình được trả khoảng 100.000 - 250.000 đồng tùy theo độ dài của chương trình, cái khổ của MC là phải học thuộc lòng thật nhanh, đại từ chuẩn, không nói lấp, phải nhạy với mọi tình huống xảy ra. Một ngày có thể người ta quay cho mình 3, 4 chương trình. Nhưng quay xong lại phải nằm chờ chương trình tiếp theo. Công việc MC không ổn định nên mình thỉnh thoảng nhảy sô tham gia phim, kịch để tranh thủ tạo tên tuổi cho mình...”. Các công ty tổ chức hội nghị khách hàng hay họp mặt đều yêu cầu các MC tên tuổi, có chút tiếng ở lĩnh vực điện ảnh, thời trang, hoa hậu, ca hát. Nhưng để đạt được “danh” như yêu cầu thì đó là một sự khổ luyện, một con đường đi đầy thử thách ví như Quyền Linh trước đây anh phải lặn lội theo các đoàn phim, tối tranh thủ đóng kịch trong khoảng một thời gian dài. Khi khán giả nhớ tên thì nghề MC mới mỉm cười với anh.

Hàng năm, trường Sân khấu - Điện ảnh cho ra lò gần cả 100 sinh viên, vì thế để có một chỗ đứng làm MC cho bất cứ chương trình nào đó là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của các bạn. Chưa kể, hiện nay các trung tâm đào tạo MC mở ra khắp nơi ở các nhà văn hóa, các cuộc thi người dẫn chương trình mọc ra như nấm thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Nhiều người kháo nhau thu nhập MC bây giờ khá cao, mỗi tháng thu nhập vài trăm triệu đồng, làm việc không sợ mưa sợ nắng nhưng kỳ thực để được như các MC có tên trong làng giải trí không phải chuyện nhỏ. Vì vậy, một lời khuyên nho nhỏ dành cho các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn cho mình một nghề nghiệp trong tương lai là cần phải tỉnh táo đừng thấy ánh hào quang lấp lánh mà vội đưa chân vào. Hãy tỉnh táo xem mình có đủ tố chất để trở thành MC và  có gặp may trong tương lai không? Vì nghề này cũng rất cần hai yếu tố: tài năng và may mắn.

NGUYỄN