Thăng trầm đội chiếu phim lưu động vùng sâu!

Thứ tư, ngày 19/05/2010

Ở Bình Dương, 13 năm nay vẫn có một đội chiếu phim lưu động (CPLĐ) âm thầm len lỏi các vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu xem phim của bà con nhân dân. Một lần đi, xem và ngẫm mới thấy hết được cái tình của người chiếu phim, trăn trở với phim.

Phim đi về xã

“Muốn đi về ấp, xã xem phim thì theo đội CPLĐ”, Giám đốc Trung tâm phát hành phim chiếu bóng Bình Dương Phạm Văn Quẫn cho biết. Y hẹn, tôi leo lên chiếc Sekong đời 95 cùng đội trưởng Đỗ Văn Công và lái xe Nguyễn Phan Quân trực chỉ xã An Linh, huyện Phú Giáo. Phải đến 19 giờ phim mới chiếu nhưng ngay từ 15 giờ xe đã lăn bánh. Một xô nước đá, 5 gói mì, một phích nước sôi dự trữ phòng khi không kiếm được chỗ ăn tối là những hành trang không thể thiếu.

 

Người dân vùng sâu háo hức chờ xem phim lưu động

Mùa khô miền Đông, con đường ĐT741 lại đang trong giai đoạn sửa chữa nên gồ ghề và khói bụi. Mỗi lần xe băng qua một “ổ voi” tôi lại được phen tái mặt khi khung mui xe lại kêu lên răng rắc. “Chiếc Sekong này khổ với tụi tui quá rồi. Coi vậy chớ nó “bết” lắm. Đang đi vậy chứ cái mui rớt ra hồi nào không biết đâu”, anh Công nói như đùa. Cũng theo anh Công, có đêm đi chiếu phim về xe bỗng trở chứng, đèn đóm tối thui, thế là bác tài Nguyễn Phan Quân phải một tay lái, một tay cầm đèn pin rọi soi đường. Còn chuyện xe chết máy, bung kính... là chuyện xảy ra thường xuyên.

Xe đến xã An Linh, nhận điểm chiếu xong lại phải vòng một vòng quanh xã để tuyên truyền. 18 giờ cắm cột, căng màn chiếu, chỉnh máy quay, chiếu phim thử... Xong ngần ấy việc trời đã tối mù, khán giả quanh vùng lác đác kéo đến. Người ở xa thì ngồi hẳn trên xe. Người ở gần mang ghế, đòn, vải bạt rồi trải ra giữa đất rộng thênh mà khoan khoái đợi phim.

Đội vừa bật đèn chiếu, trẻ em đã reo hò, người lớn đã chăm chú. Chiếu xong 30 phút phim tài liệu “Chiến dịch mùa xuân năm 1975”, khán giả đã ken cứng khoảng sân rộng trước UBND xã An Linh. Đến khi anh Công bật máy chiếu phim “Cánh đồng hoang”, khán giả càng trở nên huyên náo. Anh Công tiếc rẻ: “Do hôm nay bị động nên không chọn được điểm diễn. Chứ vào trong ấp đông hơn thế này nhiều. Đối với bà con vùng nông thôn, phim có sức hút rất lớn”. Quả thật, phim có sức hút rất lớn đối với nhân dân các vùng nông thôn. Không có gì cao sang, những thước phim đen trắng “Cánh đồng hoang” không mới, thậm chí là đã quá quen thuộc với nhiều người nhưng mọi người vẫn xúc động xem từng thước phim rồi xuýt xoa bàn luận, bình phẩm... Chị Nguyễn Thị Trang, ở ấp 4, xã An Linh cho biết: “Năm nào mấy ảnh cũng về đây vài lần. Cuộc sống ngày càng phát triển, video rồi đầu đĩa, internet đều đã xuất hiện nhiều nhưng chúng tôi vẫn thèm coi phim truyện nhựa lắm. Ngặt nỗi, phải xuống tận TX.TDM mới coi được, giá vé lại lên đến 30.000 đồng”.

Công việc thầm lặng

Mê phim từ nhỏ nên đến năm 1987, Đỗ Văn Công đã lân la theo các anh Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Mỹ đi chiếu phim video phục vụ bà con các vùng sâu, vùng xa. Anh nhớ, dạo ấy tỉnh Sông Bé mình rộng lắm, đi một đợt chiếu phim hết tỉnh cũng phải mất 1 tháng. Đi đến đâu bà con cũng rần rần kéo đến xem. Lại cho ăn, ngủ trong dân. Đi chiếu phim lưu động chẳng khác gì bộ đội đi đánh trận hồi xưa.

10 năm sau, khi tỉnh Sông Bé cũ tách làm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước thì anh Đỗ Văn Công cũng được điều về làm Đội trưởng Đội CPLĐ Bình Dương. Nói là đội thế thôi chứ suốt 13 năm nay vẫn một mình anh Công quán xuyến. Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, những chiếc đầu máy video cũ đã hư, chiếc Funite cũ kỹ đã thay rồi chiếc xe Sekong thay sau cũng cũ mèm, đầu chiếu thế hệ cũ cũng đã cho vào kho... Thế mà 13 năm, người chiếu phim lưu động vẫn còn gắn bó với nghề. 13 năm không phải là quãng đời quá dài với một người nhưng nó cũng đủ lâu với một nghề được xem là thầm lặng. Trong suốt ngần ấy thời gian, anh Đỗ Văn Công không thể tính hết số suất chiếu mà mình đã thực hiện, càng không thể nhớ hết bao nhiêu cây số, bao nhiêu xã, ấp mà mình đã đi qua. Chỉ biết rằng chỉ tiêu cấp trên giao là 130 suất chiếu mỗi năm nhưng năm nào đội cũng vượt chỉ tiêu đề ra. Lấy con số ấy nhân lên cho 13 năm, sơ sơ cũng gần 1.700 buổi CPLĐ. Một con số ấn tượng. Còn đối với anh lái xe kiêm đội viên Nguyễn Phan Quân thì giờ ngoài nghề lái xe, anh còn kiêm luôn một “nghề” khác: chiếu phim. Lái xe riết, xem phim, phụ chiếu riết giờ anh “ghiền” luôn những phút ngồi trước màn hình 300 inch để cùng cảm, cùng nghĩ với bàn con vùng sâu, vùng xa.

Muốn lắm một “mái nhà”

Cùng với những thăng trầm của thời gian, CPLĐ cũng có thời vàng son của quá khứ. Và giờ đây được xem là công việc... vô danh. Nghề buồn đến nỗi được ví von như những “người không nhà”. Thực tế thì trong quá khứ, Trung tâm Phát hành phim, chiếu bóng là thành viên của Công ty Văn hóa tổng hợp Bình Dương. CPLĐ là một trong những hoạt động quan trọng của trung tâm này. Hoạt động chính được xem là ăn nên làm ra của trung tâm là ở rạp chiếu bóng Bình Minh. Nhưng kể từ khi cổ phần hóa, rạp Bình Minh được thay đổi công năng thành nhà sách, rạp chiếu phim được sửa chữa, thay đổi theo hướng thu hẹp... Trung tâm Phát hành phim, chiếu bóng từ đó trở về với quản lý Nhà nước và trở thành người “vô gia cư”.

Chiếc Sekong cũ kỹ gắn bó với anh em đội CPLĐ bao năm nay

Khó tưởng tượng được rằng một Trung tâm Phát hành phim, chiếu bóng của tỉnh, được đầu tư hàng năm với số tiền hàng trăm triệu đồng lại... không có rạp chiếu bóng. Trăn trở hơn, với chức năng, nhiệm vụ của mình thì năm 2006, trung tâm được Cục Điện ảnh hỗ trợ một máy chiếu phim 35mm, công suất 3 Kw/h thuộc vào loại hiện đại nhất hiện nay trên thế giới, trị giá 1,7 tỷ đồng. Dẫu thế, trong suốt thời gian tồn tại của mình, chiếc máy vẫn chỉ được... cho rạp Bình Minh thuê với giá trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Nghịch lý này xảy ra được ví như anh nông dân có cày nhưng không có ruộng để làm việc. Cái máy chiếu phim hiện đại được xem là niềm ao ước của biết bao tỉnh bạn, giờ lại không biết làm thế nào để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia đề ra. Trong khi trung tâm phải loay hoay với chiếc máy 1,7 tỷ đồng mà không có chỗ chiếu thì đội CPLĐ vẫn phải bảo đảm nhiệm vụ chiếu phim phục vụ mục đích chính trị. Khó khăn vật chất là có thể vượt qua nhưng xa hơn là mục tiêu tuyên truyền chính trị, thị hiếu xem phim của khán giả Bình Dương là rất khó bảo đảm.

Được biết tháng 4-2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiệp đã ký phê duyệt “Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Theo đó, sẽ có thêm 6 đội CPLĐ được ra đời ở các huyện. Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 2009-2020 sẽ là 17,57 tỷ đồng. Đi vào thực tế, Đội CPLĐ Dầu Tiếng vừa được thành lập với trang thiết bị hiện đại và sắp tới là 5 đội khác ra đời. Mục đích ra đời của các đội này là phục vụ các bà con vùng sâu, vùng xa theo Chương trình 135 của Chính phủ, các cán bộ lão thành cách mạng, công nhân hiện đang cư trú ở các khu nhà trọ...

Như vậy, có thể khẳng định UBND tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền chính trị cũng như không hề bỏ rơi người yêu phim Bình Dương. Mỗi năm, công tác CPLĐ của tỉnh ta cũng được rót hàng trăm triệu đồng để tồn tại và hoạt động đều đặn. Nhưng theo đánh giá của nhiều người trong nghề, một khi chiếc máy chiếu hiện đại 1,7 tỷ đồng kia vẫn còn phải... cho thuê để duy trì hoạt động và không có lấy một rạp chiếu phim thực sự, công tác CPLĐ chỉ còn biết bấu víu vào vùng sâu, vùng xa. Còn ngay tại TX.TDM, Dĩ An, Thuận An... CPLĐ chỉ dừng lại ở mục đích tuyên truyền chính trị khô cứng và rất khó đi vào lòng khán giả. Bởi thị hiếu người xem phim ở các vùng đô thị đã rất phát triển. Trong khi khán giả phải bỏ số tiền lên đến 30.000 đồng để vào rạp Bình Minh xem phim “Đừng đốt” chẳng hạn, thì Trung tâm Phát hành phim, chiếu bóng phải xoay sở bằng cách xuống tận Dĩ An để thuê rạp chiếu phim bằng máy chiếu cũ còn lại.

Rõ ràng, làm thế nào để CPLĐ đi sâu vào lòng dân, phát huy hiệu quả thật cao còn là vấn đề trăn trở và đáng quan tâm của nhiều cấp, ngành.

KHÁNH VINH