Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020: Hướng về doanh nghiệp và người lao động
(BDO) Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2020, gồm nhiều hoạt động thiết thực gắn với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Bình Dương.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp
- Thưa ông, Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, cháy, nổ tại nơi làm việc”, mục đích và yêu cầu chủ đề năm nay là gì?
- Mục đích của Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9- 2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 47- CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy”.
Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 phải được tổ chức phong phú, có hiệu quả và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, cơ sở lao động và NLĐ.
- Các hoạt động trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Cụ thể các hoạt động triển khai theo 3 giai đoạn:
Trước Tháng hành động (từ đầu tháng 4 đến ngày 29-4- 2020): Ban hành các văn bản hướng dẫn sở ngành, 2 Ban Quản lý khu công nghiệp, Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ theo nội dung Kế hoạch số 47/ KH-BCĐ ngày 20-3-2020 của Ban Chỉ đạo tỉnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho NLĐ và không tổ chức lễ phát động tập trung mà thay thế bằng các hình thức phát động khác: Phát hành tờ rơi, áp phích, tranh ảnh, ấn phẩm, sách báo, phát động qua bảng điện tử, qua hệ thống loa phát thanh… Xây dựng và đưa tin các phóng sự về công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN), tuyên truyền trên sóng phát thanh cấp xã, tổ chức xe thông tin tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên bảng điện tử, lắp panô, treo băng rôn.
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ (từ ngày 1 đến ngày 31- 5-2020): Triển khai Kế hoạch số 47 của Ban Chỉ đạo, tuyên truyền các hoạt động của tháng về công tác ATVSLĐ; các sở ngành, 2 Ban Quản lý khu công nghiệp thành viên, Ban Chỉ đạo các huyện, thị thành phố triển khai các hoạt động về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý; giám sát, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các hoạt động của mình.
Sau Tháng hành động (từ ngày 1-6 đến 31-12-2020): Thăm hỏi, động viên một số nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, tổ chức kiểm tra việc hưởng ứng Tháng hành động và công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, tiếp tục triển khai chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2018-2020.
- Trong những năm qua, Bình Dương thực hiện khá tốt Tháng hành động về ATVSLĐ nhưng thực tế số vụ TNLĐ, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn ở mức cao. Vậy nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
- Trong quá trình tham gia lao động luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn với rất nhiều hậu quả nặng nề. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động như thiết bị, máy móc gặp trục trặc; sự chủ quan, thiếu ý thức của NLĐ; sự thiếu quan tâm của chủ doanh nghiệp… Có hai nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn:
Nguyên nhân từ người sử dụng lao động: Không tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ kịp thời, đầy đủ cho NLĐ; không xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn; không trang bị hoặc trang bị chưa đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; công tác giám sát, kiểm tra về ATVSLĐ chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ. Sử dụng các phương tiện, dụng cụ, máy móc, thiết bị chưa hoàn chỉnh, thiếu các thiết bị an toàn, phòng ngừa tai nạn. Chưa cải thiện điều kiện lao động tại các vị trí có các yếu tố có hại cho NLĐ.
Nguyên nhân từ NLĐ: Không thực hiện, không chấp hành đúng, đầy đủ các quy trình, quy phạm về ATVSLĐ - PCCN; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; ý thức chưa cao về công tác ATVSLĐ - PCCN, còn chủ quan bất cẩn khi làm việc.
- Thưa ông, để hạn chế các vụ TNLĐ, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh có những chỉ đạo, biện pháp nào để giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc?
- Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những thiếu sót trong năm 2019, năm 2020, Ban Chỉ đạo tỉnh đẩy mạnh công tác triển khai các văn bản mới hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ đến doanh nghiệp và NLĐ trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động để bảo đảm ATVSLĐ, bảo đảm về chính sách, chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và nhận thức được trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (cụ thể chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2018-2020 do UBND tỉnh phê duyệt) nhằm ngăn chặn TNLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm ATVSLĐ - PCCN trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh và truyền hình, trên internet); tăng cường công tác tự kiểm tra và giám sát về ATVSLĐ - PCCN...
- Xin cảm ơn ông!
TƯỜNG VY (thực hiện)