Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020: Đổi mới, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông

Thứ ba, ngày 26/05/2020

(BDO)  Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp (DN), công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - phòng chống cháy nổ (PCCN) đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân.

 Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp

 Đa dạng các hoạt động

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh, cho biết trong năm 2019, với yêu cầu triển khai tháng hành động với các hoạt động phong phú, thiết thực, hướng về DN, cơ sở lao động, người lao động, BCĐ Tháng hành động tỉnh không tổ chức lễ phát động tập trung mà thay thế bằng việc phát sóng bài phát biểu của Trưởng BCĐ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương trong thời gian từ ngày 1 đến hết ngày 31- 5-2019 và có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, các DN trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động tháng hành động.

Cùng với tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ phát động chiến dịch thanh tra ngành gỗ vào tháng 3-2019 với sự tham gia của 188 đại biểu.

“Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhưng vẫn còn một số hạn chế, BCĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp phát huy các kết quả đạt được và sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn Lao động các huyện, thị, thành phố và Công đoàn các khu công nghiệp tổ chức Tháng công nhân kết hợp lễ phát động hưởng ứng tháng hành động với hơn 1.230 người tham gia.

Các DN trên địa bàn tỉnh dưới sự hướng dẫn của BCĐ tỉnh đã tổ chức trên 30 lễ phát động tập trung với hơn 12.000 người tham dự cùng với sự có mặt của các sở, ban, ngành thành viên BCĐ. Ngoài ra, việc phát động tháng hành động còn được các DN triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Phát động thông qua các cuộc họp công đoàn định kỳ với hơn 80.000 công đoàn viên tham dự, ban hành văn bản, phát động qua loa trong giờ nghỉ giải lao, nghỉ ăn ca, phát động thông qua các lớp huấn luyện ATVSLĐ - phòng cháy chữa cháy.

Ngoài cơ quan quản lý nhà nước thì các DN hiện nay cũng rất sáng tạo, chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hưởng ứng tháng hành động, như: Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương thực hiện chương trình Nâng cao văn hóa an toàn, bao gồm chiến dịch báo cáo an toàn, khuyến khích an toàn, chương trình Khảo sát đánh giá văn hóa an toàn và chương trình Anh hùng an toàn bé nhỏ. “Thông qua Tháng hành động về ATVSLĐ của tỉnh nói riêng và Trung ương nói chung, đa số người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, người sử dụng lao động đã nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ - PCCN”, ông Tuyên cho biết thêm.

Tăng cường công tác tự kiểm tra và giám sát

Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2020, gồm nhiều hoạt động thiết thực gắn với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, cháy, nổ tại nơi làm việc”, BCĐ tỉnh yêu cầu các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 phải được tổ chức phong phú, có hiệu quả và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, DN, cơ sở lao động và người lao động.

Gắn với chủ đề nêu trên, BCĐ tỉnh đề ra một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, đó là: Đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm ATVSLĐ - PCCN trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh và truyền hình, trên internet), đẩy mạnh tuyên truyền tới các Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phố; tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ - PCCN cho các DN, cơ sở, đặc biệt quan tâm tới các DN, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ; các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như xây dựng, khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng, hóa chất; khu vực kinh tế tư nhân, các khu chợ thương mại, sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác tự kiểm tra và giám sát về ATVSLĐ - PCCN, thường xuyên tư vấn, đôn đốc các DN, cơ sở thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ - PCCN nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm về pháp luật lao động, về an toàn PCCN. Các DN thúc đẩy hoạt động tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ - PCCN tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

 TƯỜNG VY