Thận trọng trong “ma trận” thị trường
(BDO) Để đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường lớn, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương, tìm kiếm cơ hội cho hàng hóa của doanh nghiệp (DN) trong nước. Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường. “Độ mở” này cũng được cho là nền tảng để các DN vượt qua thách thức trong khó khăn như hiện nay. Tuy vậy cơ hội nào cũng luôn đi kèm thách thức.
Đơn cử, Mỹ, Nhật, EU là những thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật nên DN cần hướng đến những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt. Làm được điều này, DN sẽ không chỉ có lợi nhuận mà còn có cơ hội đầu tư vào nhân lực, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, với các DN mới tiếp cận các thị trường tiềm năng, cần nghiên cứu kỹ các yếu tố thị hiếu khách hàng, tính phù hợp, giá cả và khả năng cạnh tranh với các đối thủ để quyết định phương thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp.
Không chỉ phải nghiên cứu thị hiếu từng thị trường, chính sách ưu đãi của từng hiệp định, các DN làm xuất khẩu còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là lừa đảo và các hoạt động tranh chấp thương mại, đầu tư. Với những thị trường xa xôi, ít thông tin như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, DN phải rất cẩn trọng, bởi hầu như năm nào cũng có các DN bị “đối tác ma” lừa đảo, gây thiệt hại lớn.
Và thực tế, đã có nhiều sự việc xảy ra khi mà các giao dịch giữa các DN thường diễn ra trên mạng. Nhiều DN Việt Nam vì tin lời đối tác, sẵn sàng chuyển khoản mà không hề qua các bước kiểm tra, tìm hiểu thông tin về đối tác. Chính vì vậy rất dễ bị sập bẫy các đối tượng lừa đảo, những “công ty ma”. Các chuyên gia khuyến cáo, DN phải thận trọng với các điều khoản hợp đồng, nhận diện, phân loại rủi ro có thể xảy ra để có các biện pháp phòng vệ.
KHẢI ANH