Thận trọng nhập khẩu phế liệu để sản xuất

Thứ sáu, ngày 25/02/2022

(BDO)  Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), từ ngày 10-1-2022, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký Quỹ BVMT. Quy định này đưa ra nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh. Số tiền ký quỹ căn cứ trên số lượng nhập khẩu của lô hàng. Khoản tiền này được hoàn lại sau khi cơ quan quản lý đánh giá và xác định hoạt động đó không gây tổn hại đến môi trường. Hiện có 3 nhóm ngành nghề, hàng hóa phải ký Quỹ BVMT là: Khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Mức ký quỹ đối với sắt và thép phế liệu nhập khẩu dưới 500 tấn là 10%; từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn 15%; trên 1.000 tấn 20% tổng giá trị lô hàng nhập khẩu. Đối với giấy và nhựa phế liệu, nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ bằng 15%; từ 100 tấn đến dưới 500 tấn bằng 18%; trên 500 tấn bằng 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Các loại phế liệu không thuộc 2 nhóm trên, ký quỹ bằng 10% tổng giá trị lô hàng nhập khẩu.

Theo các chuyên gia môi trường, quy định ký Quỹ BVMT đối với phế liệu nhập khẩu nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu; hạn chế tồn đọng các container hàng phế liệu ở cảng biển mà không có người đứng ra nhận trách nhiệm xử lý, giảm phế thải có yếu tố độc hại với môi trường. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc từng lô hàng, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển, giảm thủ tục và thời gian liên quan đến ký quỹ, đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu mới có thể thay thế. Việc ký quỹ và quản lý chặt các phế liệu nhập khẩu cũng là một trong những hình thức tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải trong nước.

 KHẢI ANH