“Thần tốc, táo bạo”, non sông về một mối…
Ba mươi chín năm trước, cũng ngày này, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã phê chuẩn đề nghị đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, chiến dịch Hồ Chí Minh đã trở thành chiến dịch quân sự ngắn nhất (từ 26 đến 30-4) trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và cũng là chiến dịch cuối cùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đánh đổ hoàn toàn chế độ Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Viết về những ngày tháng tư lịch sử, viết về đại thắng mùa xuân 1975 quả thật có quá nhiều điều để ngợi ca, có rất nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh để tự hào. Xuyên suốt qua những chiến dịch oai hùng, qua những trận đánh “thần tốc, chắc thắng” là những tư tưởng chỉ đạo, là những quyết định sáng suốt của một tập thể lãnh đạo sáng suốt. Chiến dịch Hồ Chí Minh với sứ mệnh giải phóng Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy là một minh chứng không gì thuyết phục hơn cho một tư tưởng chỉ đạo “tốc chiến, tốc thắng”.
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” (Võ Nguyên Giáp). Tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo” được căn cứ trên bình diện cuộc chiến với các điều kiện cho phép để “chắc đánh và chắc thắng”. Cuộc chiến phi nghĩa mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc này đã kéo dài 21 năm với bao đau thương mất mát mà người Việt Nam phải gánh chịu. Và, những ngày tháng tư lịch sử của ba mươi chín năm về trước chính là thời điểm chín muồi để kết liễu cuộc chiến, thống nhất non sông, đem lại cuộc sống hòa bình cho cả dân tộc. Tư tưởng “một ngày bằng 20 năm” đã được thể hiện trên khắp các mũi tấn công như nước vỡ bờ, thần tốc làm nên một đại thắng mùa xuân được cả thế giới công nhận.
TRIỆU PHONG