Thản nhiên đón tuổi già...

Thứ hai, ngày 06/06/2011

...Nói thản nhiên nhưng đó là tâm trạng của sau này, ban đầu, khi mới nhận quyết định nghỉ hưu, cũng rối bời lắm cháu à. Đang đi làm vui vẻ, được gặp đồng nghiệp mỗi ngày, nhiều người còn làm lãnh đạo ở cơ quan nữa chứ, nghỉ ở nhà, không buồn mới lạ! Nhưng rồi, mình “đón nhận” nó, coi tuổi già như... người bạn mới. Thế thôi, rồi niềm vui sống lại đến với mình... Một bác hưu trí đã tâm sự với người viết như thế khi tôi đến Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí tỉnh vào một sáng sớm cuối tuần...

Khiêu vũ và hát!

Những “người già” tôi muốn nói tới trong bài này là những “cựu cán bộ”. Họ là những người đã cống hiến công sức, trí tuệ và cả xương máu bảo vệ Tổ quốc. Giờ đây, khi tuổi hưu, các cô chú tham gia trong những CLB Hưu trí, Hội Cựu chiến binh và họ vui sống, tận hưởng những ngày hạnh phúc bên người thân, bạn bè.

Khi cùng nhau hát như thế này, các cô chú thấy mình... trẻ ra thật nhiều

Sáng sớm, bên trong hội trường CLB Hưu trí tỉnh tiếng nhạc rộn ràng. Từng cặp hội viên (HV) dìu nhau trong điệu nhảy Tango, Chachacha... Trông các cô chú trẻ hơn, rắn rỏi hơn so với tuổi ngoại lục tuần. Nhiều HV cho biết, ban đầu họ ngại lắm, ngại bạn bè cười già rồi mà còn ham vui, ngại con cháu nghĩ sai về mình nhưng sau đó, mạnh dạn dần, họ thấy quen với... bạn nhảy, quen với từng bước chân dìu dặt của mình. Tinh thần phấn chấn, đó là điều ai cũng mong muốn.

Khiêu vũ xong thì... hát. Những giọng ca trong trẻo một thời, từng làm cô văn công đi dọc Trường Sơn hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào ngày nào giờ lại tập hợp bên nhau để hát cải lương, dân ca, quan họ... Cô Trần Thị Tích, nhà ở đường Thích Quảng Đức năm nay đã 67 tuổi là một “giọng ca” rất nhiệt tình. Cô người Bắc Ninh, sống và làm việc ở Bình Dương được 32 năm nay. Theo cô, hơn nửa đời người gắn bó với vùng đất này, cô coi Bình Dương là quê hương thứ hai của mình. Mỗi khi có dịp, cô lại cùng bạn bè hát phục vụ dù “giọng không còn trong trẻo như xưa”.

Bớt cảm giác cô đơn là điều nhiều HV ở đây nhận thấy khi họ cùng tham gia sinh hoạt CLB Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh bởi được bạn bè quan tâm, chia sẻ. Có nhiều cô chú tâm sự rằng; người bạn đời của họ đã “đi trước”, để lại họ bơ vơ một mình nên nhiều lúc thấy trống trải vô cùng. Con cháu bận đi làm, đi học nên đến CLB để được nhảy, được hát, được chuyện trò là lựa chọn hợp lý nhất.

Chơi thể thao

Khung cảnh thoáng mát, không gian rộng lại gặp được bằng hữu, đúng là không còn gì bằng. Có lẽ thế nên sáng nào tại CLB Người cao tuổi cũng có người đến chơi cờ tướng, đánh bóng bàn, cầu lông...

Chú Huỳnh Tắc, Phó Chủ nhiệm CLB Người cao tuổi tỉnh cho biết mỗi ngày có hơn 20 HV đến tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Thường CLB hoạt động từ 6 giờ 30 đến 9 giờ 30. Nhưng có HV đánh bóng bàn hăng say quá đến sau 10 giờ mới về nhà. Chú Tắc dẫn tôi đi giới thiệu với những “vận động viên” bóng bàn đang đánh say sưa. Đó là các chú Võ Sĩ Biểu, 76 tuổi; Vũ Thế Tình, 70 tuổi; Trần Văn Chiến, 80 tuổi... Những “vận động viên” nữ thì có cô Huệ, cô Thúy An đã 66 và 62 tuổi cũng đang đánh bóng bàn rất hăng! Đáng quý hơn là có nhiều người bị bệnh, có người bị mổ tim 1 - 2 lần nhưng vẫn siêng năng tập thể dục. Các cô chú cho biết; đến đây tập thể dục như thế mỗi ngày, thấy khỏe ra nhiều. Theo các cô chú, tuổi này không còn... làm biếng ra sân tập nữa bởi “ra sân dù sao cũng sung sướng hơn đi... bệnh viện!”. Một khi đã đối mặt với bệnh tật, lo lắng cho tuổi già sùm sụp từ đâu kéo tới thì sức khỏe đúng là thứ quý giá nhất!

Cũng với tinh thần thể thao này mà hiện có nhiều cô đã trên dưới 60 tuổi vẫn là... HV tại các lớp thể dục thẩm mỹ. Như cô Phước, cô Yến ở TX.TDM luôn được mọi người khen về sự trẻ trung và dẻo dai. Theo các cô, đừng tự làm “già hóa” mình mà khi nào cũng vui tươi, có ý thức giữ gìn sức khỏe, luyện tập thể thao thì tuổi già chậm tới “thăm” mình hơn và có đến thì cũng không đáng sợ lắm...

Uống trà và... du lịch!

Thấy tôi vừa nhấp ngụm trà vừa trả lời điện thoại, rồi vội vội vàng vàng hẹn “lát nữa đến nhé”, tắt vội laptop nhét vào cặp, bác Sáu, một trong những bác hưu trí hay hát câu “cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao” nheo mắt cười: “Cực dữ ha? Ừ, tuổi trẻ mà. Hồi xưa bác cũng vậy chứ gì? Làm ngày làm đêm, tranh thủ dữ lắm. Hồi đó còn trẻ, nhà nghèo nên phải cày. Giờ có chút tiền lại tiếc hồi... tuổi trẻ. Nhưng không sao, như các bác đây giờ còn là... tỷ phú thời gian nữa cơ. Thế nên, thỉnh thoảng uống trà, cà phê với nhau, thiết kế tour đi du lịch cũng vui lắm”.

Hội của bác Sáu hay uống cà phê mấy quán cóc ven đường. Sáng, họ đi bộ loanh quanh ở sân Gò Đậu. Chuyện trò cũng rôm rả tình hình trong nước, thế giới và mấy ngày nay là bàn tán chuyện Trung Quốc lấn chiếm biển Đông. Họ nói về tinh thần yêu nước ngày xưa và ngày nay của người Việt...

Những điểm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng thường được các CLB Hưu trí chọn cho những HV của mình. Đó là những nơi như Nha Trang để có thể tắm bùn, đi Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) để tắm nước nóng. Có nhóm chơi sang, có kinh phí thì đặt tour đi Côn Đảo, Phú Quốc... để được hưởng không khí trong lành. Chị Hải ở phường Phú Thọ, TX.TDM có ba mẹ là HV của CLB Người cao tuổi cho biết: “Ba mẹ chị rất vui và thấy khỏe ra mỗi khi cùng các cô chú tham gia những hoạt động do Hội Người cao tuổi tổ chức hay đi du lịch đây đó. Cả nhà ai củng ủng hộ. Vui lắm, trước mỗi chuyến ba mẹ đi chơi xa, ai cũng lo chuẩn bị đủ thứ cho các cụ mang theo. Nhưng khi nào cũng nhắc nhau là... nhớ mang theo thuốc uống nhé ba mẹ! Làm con cháu, không gì vui hơn khi thấy ba mẹ vẫn mạnh khỏe, yêu đời, sống như một tấm gương cho mình noi theo...”.

Không hẳn người nước ngoài mới “mê” và có điều kiện đi du lịch sau những tháng năm miệt mài đi làm, ở nước ta, người cao tuổi ngày càng được quan tâm từ gia đình và xã hội. Họ có điều kiện để sống vui, sống khỏe và sống có ích, đó là điều đáng mừng và nên làm. Hẳn nhiên, vẫn có nhiều người cao tuổi còn bận cuộc mưu sinh. Mong sao, họ cũng sớm được thảnh thơi như những người tôi từng gặp và thể hiện trong bài viết này...

Ngày truyền thống người cao tuổi (NCT) Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ 26-5-2006 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg. Theo đó, lấy ngày 6-6 hàng năm là “Ngày truyền thống NCT Việt Nam”. Việc tổ chức ngày truyền thống NCT Việt Nam phải thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức nhằm thực hiện những nội dung, yêu cầu sau:

- Giáo dục truyền thống cao đẹp của NCT Việt Nam, cổ vũ, động viên NCT tham gia xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tiếp tục đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; quan tâm chăm sóc NCT, đặc biệt là những NCT gặp khó khăn về vật chất và tinh thần.

- Kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng chăm sóc NCT, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.

- Biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức thích hợp cho NCT có thành tích tiêu biểu và những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc NCT.

QUỲNH NHƯ