Tham vấn 'Sáng kiến Quốc gia giáo dục vì sự phát triển bền vững đến năm 2030'
(BDO) Ngày 24-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về “Sáng kiến quốc gia Giáo dục vì sự phát triển bền vững đến năm 2030”.
Ảnh minh họa
Đây là sáng kiến được UNESCO khởi xướng và thúc đẩy trên toàn thế giới, đặc biệt là những quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, tầm quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy đóng góp của học tập nhằm giải quyết những thách thức của nhân loại, gắn với tính bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững trang bị cho người học ở mọi lứa tuổi kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ để giải quyết những thách thức đan xen trên toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên không bền vững, bất bình đẳng…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo như: cải cách giáo dục phổ thông; đổi mới chương trình giảng dạy; xây dựng các trường đại học tiên tiến hướng đến chuẩn mực khu vực và thế giới; hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ. Báo cáo Giáo dục thế giới năm 2020 của UNESCO cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn cầu của Liên hợp quốc và cũng là một trong những quốc gia có kết quả cao nhất trong kỳ thi PISA 2018.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để giáo dục thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững cần làm nhiều hơn thế. Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về giáo dục vì sự phát triển bền vững của UNESCO năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các bước để xây dựng sáng kiến quốc gia về giáo dục phát triển bền vững tới năm 2030, làm chiến lược bao trùm chung với mục đích tăng cường các nỗ lực hiện tại và thúc đẩy sự phối hợp, hướng tới tác động trên toàn quốc.
Đặc biệt, phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn phải đảm bảo những nhu cầu cơ bản của con người, trong đó phát triển vì sự hạnh phúc của loài người - là những điều nhân loại đang hướng tới và được đặt ra trong tương lai. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng trường học hạnh phúc, góp phần hướng đến giáo dục phát triển bền vững.
Ghi nhận sự chỉ đạo và cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai giáo dục phát triển bền vững, bà Miki Nozawa, Trưởng Phòng Giáo dục UNESCO Hà Nội, cho biết: Giáo dục phát triển bền vững có thể trang bị cho người học từ mầm non đến trưởng thành những kiến thức quan trọng, tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác... để giải quyết các thách thức về tính bền vững. Do đó, giáo dục phát triển bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. UNESCO vui mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã khởi xướng sáng kiến quốc gia giáo dục vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 và nhiều bên liên quan sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Báo cáo rà soát tình hình giáo dục phát triển bền vững tại Việt Nam và nội dung chính của Sáng kiến quốc gia Giáo dục vì sự phát triển bền vững 2030 cho biết: Trong hơn 2 thập kỷ, Việt Nam đã giành được những thành tựu nhất định trong giáo dục phát triển bền vững, thể hiện qua hàng loạt chương trình, hoạt động ở các cấp độ quốc gia và địa phương.
Các chương trình chú trọng tới 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Thúc đẩy chính sách (nghị quyết, chương trình, kế hoạch); Chuyển đổi môi trường học tập (đổi mới chương trình, phương pháp, đánh giá; môi trường giáo dục); Bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo (chương trình sư phạm, chương trình tập huấn cho giáo viên); Huy động và trao quyền cho thế hệ trẻ (các chương trình đoàn thể, đoàn thanh niên); Thúc đẩy các chương trình hành động ở địa phương (các chương trình liên kết và hợp tác với địa phương).
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến đóng góp vào Báo cáo hiện trạng về Giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam và dự thảo Sáng kiến quốc gia về Giáo dục phát triển bền vững, đồng thời, xác định và thống nhất hướng đi tiếp theo cũng như cơ chế phối hợp liên ngành trong nỗ lực chung thực hiện sáng kiến này đến năm 2030.
Theo đó, giáo dục phát triển bền vững là một lĩnh vực rất sâu rộng, cần sự huy động của các bên liên quan để triển khai được bền vững và hiệu quả. Các sáng kiến sẽ khả thi khi có sự ủng hộ và tham gia của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Ngoài ra, cần phối hợp cùng các tổ chức, đặc biệt các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong các hoạt động diện rộng, mang tầm chiến lược quốc gia.
Theo TTXVN