Thẩm quyền và nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng

Thứ năm, ngày 10/10/2024

(BDO) Thông tư số 07/2024/TT-TTCP ngày 1-7-2024 của Thanh tra Chính phủ (gọi tắt là Thông tư 07/2024) là một văn bản pháp lý quan trọng được Thanh tra Chính phủ ban hành nhằm quy định chi tiết về thẩm quyền và nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Điều 1 Thông tư 07/2024 nêu rõ phạm vi điều chỉnh, bao gồm thẩm quyền và nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xác định rõ ràng và minh bạch thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, từ đó nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và giám sát.

Đối tượng áp dụng của thông tư này được quy định tại Điều 2, bao gồm thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm thực hiện pháp luật về các lĩnh vực trên cũng thuộc đối tượng áp dụng của thông tư.

Một trong những điểm nổi bật của Thông tư 07/2024 là quy định chi tiết về thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của các cơ quan thanh tra từ Trung ương đến địa phương (từ Điều 3 đến Điều 8). Quy định này cho thấy sự phân cấp rõ ràng trong công tác thanh tra, bảo đảm rằng mọi cấp quản lý đều có trách nhiệm và quyền hạn trong việc giám sát và thực thi pháp luật.

Một điểm đáng chú ý khác của Thông tư 07/2024 là quy định về nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng. Điều 13 quy định chi tiết về nội dung này, bao gồm công tác xây dựng văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Thông tư 07/2024 còn quy định về thực hiện các quy định phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý tham nhũng. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phòng, chống tham nhũng, bảo đảm minh bạch và công khai trong quản lý hành chính, và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Thông tư 07/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2024 và thay thế Thông tư số 07/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ.

NGUYỄN NGỌC - HÀ VINH