Thăm nơi học tập của những con người lạc lối!
Kỳ 1: Hối hận là chưa muộn
Trung tâm Giáo dục lao động - Tạo việc làm tỉnh (ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) hàng năm tiếp nhận hàng trăm học viên (HV) đến cai nghiện ma túy và một số đối tượng mại dâm. Trong số đó, có những con người lạc lối mang nhiều tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, khi vào đây cai nghiện và học tập, họ luôn cần mẫn làm lại cuộc đời.
Mong được làm lại cuộc đời
Nhiều HV mà trước đây mới nghe danh là mấy đám nhỏ phải kính nể, phục tùng. Tuy nhiên, khi vào đây thì họ đều mong muốn làm lại cuộc đời vốn dĩ đã bị “nàng tiên nâu” cướp mất và tỏ ra hối hận cho những ngày tháng ăn chơi bạt mạng của mình. Gặp chúng tôi, HV Hà Quốc Khánh (SN 1979, ngụ Phú Giáo) cho hay, đây là lần thứ 2 vào trung tâm này. Lần trước là năm 2005, sau đó, đến năm 2009, Khánh ra trại và gia đình đã tạo điều kiện cho lấy vợ. Tưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc sẽ giúp Khánh bỏ được ma túy, nào ngờ, cưới vợ được vài tháng, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, Khánh tiếp tục la cà với bạn bè và “dính” lại ma túy vào đầu năm 2010. Khánh nói: “Bây giờ em đã thật sự hối hận. Vào đây, có thời gian suy ngẫm lại cuộc đời mình, em thấy vô bổ quá, mình đã làm khổ cha mẹ và người thân trong gia đình nhiều quá”. Tôi hỏi Khánh, đầu năm 2012, khi ra trại, em có chơi lại không? Khánh khẳng khái: “Em hứa là sẽ cố gắng làm lại cuộc đời. Sau khi ra trại, em sẽ trở lại việc làm cũ của mình là hớt tóc. Nhân đây, em khuyên các bạn trẻ chưa biết đến ma túy thì đừng bao giờ tìm hiểu, vì dính vào ma lực của “nàng tiên nâu” thì cuộc đời sẽ nhanh chóng lụi tàn”.
Hai HV Hà Quốc Khánh (phải), Võ Tiền Định (thứ 3, phải qua) cùng Ban Giám đốc trung tâm trao đổi với báo chí
Mắt ngân ngấn nghĩ về những ngày tháng trôi qua một cách vô ích, HV Võ Tiền Định (SN 1975, ngụ Thuận An) cho hay: “Em đến với ma túy bởi bị bạn bè lôi kéo. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, thấy thật lãng phí cuộc đời”. Trước đây, Định từng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền, với thu nhập ổn định từ nghề mộc. Tuy nhiên, từ khi “dính” vào ma túy thì cuộc đời Định mất hết những khoảnh khắc hạnh phúc đó. Định nói: “Từ khi nghiện ma túy, “nàng tiên nâu” cứ như ma lực hành hạ bản thân em. Không có thuốc, tinh thần em mụ mị, cả ngày chỉ mơ màng đến “nàng tiên nâu”, không làm được bất cứ một công việc gì. Bây giờ đã cai nghiện được, sắp ra trại rồi nên em sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời”. Tuy nhiên, theo HV Định, sau khi ra trại, em chỉ sợ không có việc làm, rồi bị bạn bè rủ rê, lôi cuốn trở lại! Đang nói ngập ngừng, Định lại thôi. Nói được vậy, nghĩa là Định đã nhận ra rằng, chỉ có tránh xa ma túy, chịu khó lao động thì cuộc đời mới sáng sủa.
Ở trung tâm cai nghiện ma túy này, nhiều HV khi gặp chúng tôi, họ không thiết tha gì khi kể về những ngày tháng ăn chơi của mình ở ngoài đời. Vào đây, họ nhận ra chính con người thật của mình, cai nghiện và sống có ích hơn khi cùng lao động dù làm những việc nhỏ như quét nhà, nấu cơm, trồng rau sạch. HV Nguyễn Văn Giáp (SN 1985, ngụ Yên Thành, Nghệ An) hối tiếc: “Khi chưa nghiện ma túy, em là một đầu bếp nấu ăn khá ngon, có bằng cấp hẳn hoi. Tuy nhiên, từ khi em nghiện ngập, tinh thần, sức khỏe sa sút, em không làm được bất cứ việc gì. Rất may là vào đây, các thầy cô đã giúp em cai nghiện, phục hồi tinh thần và sức khỏe nên dần dần em nấu lại được những món ăn ngon”. Bị bắt đưa vào trung tâm từ tháng 12-2009, còn 8 tháng nữa, HV Giáp mới được trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đối với Giáp, những ngày ở trung tâm này là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình, bởi được sự giúp đỡ, chăm sóc và tình thương yêu từ các thầy cô tại trung tâm này để Giáp làm lại cuộc đời mình.
Giúp HV trở lại cuộc sống thật
Anh Phạm Văn Tuyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động - Tạo việc làm tỉnh cho biết, hiện nay, trung tâm có hơn 500 HV đang được điều trị, học tập. Trong số đó, chủ yếu là đối tượng cai nghiện ma túy. Theo quy trình của trung tâm thì sau khi tiếp nhận HV, trung tâm sẽ phân loại, cắt cơn. Sau đó đến giai đoạn lao động trị liệu, dạy nghề, dạy văn hóa. Để giúp HV cai nghiện ma túy, lao động, học tập tốt trong thời gian bắt buộc theo quy định thì ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ, thầy cô giáo của trung tâm đã cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý, giáo dục, trị liệu, giúp HV sớm hòa nhập cộng đồng. Nếu như từ năm 2001 đến 2007, trung bình mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng hơn 200 HV thì từ năm 2008 đến nay, số HV đã tăng vọt hàng năm. Cụ thể là năm 2010 tiếp nhận đến 360 HV, ra 233 HV. Riêng quý 1-2011, tiếp nhận đến 127 HV. Trong đó có nhiều HV có tiền án, tiền sự, nhận thức kém, bất cần đời, việc giáo dục không hề đơn giản. Tuy nhiên, điều đó càng làm cho cán bộ của trung tâm phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, coi HV như những người bạn, hòa đồng, gần gũi với họ để điều trị, chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề, giúp họ trở lại cuộc đời thật của chính mình.
Hai HV này đã tìm lại chính mình bằng vệc làm nhỏ như nấu ăn thêmTheo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cán bộ, thầy cô đã gắn bó với trung tâm này gần 10 năm. Trong khoảng thời gian ấy, họ đã chứng kiến hàng ngàn lượt HV vào cai nghiện, giáo dục, có những người chào ra về rồi không gặp lại nữa, nhưng cũng có những HV đã nhẵn mặt tại trung tâm này. Anh Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Tạo việc làm tỉnh, tâm sự: “Có nhiều HV vào đây đến 3 lần, tiền án, tiền sự của họ thì khỏi phải bàn. “Lừng lẫy ngoài đời” nhưng khi vào đây, tất cả họ đều được cán bộ trung tâm giúp đỡ trị liệu, dạy chữ, dạy nghề để biết yêu lao động, cho họ cái cần câu khi ra ngoài xã hội mới có cái để kiếm ăn, có thể tự đứng lên làm lại cuộc đời”. Điều anh Phước tâm sự, càng làm cho chúng tôi thấm thía hơn khi theo chân 2 cán bộ của trung tâm là chị Lâm Thị Thu và Dương Thị Thùy để đến các khu dành riêng cho HV điều trị, học tập, lao động. Chị Thu, tâm sự: “Là một cán bộ phụ trách mảng y tế của trung tâm, tôi luôn coi HV như những người bạn thân để họ điều trị, uống thuốc theo định kỳ. Trong số đó có nhiều HV đã bị nhiễm HIV nhưng chúng tôi vẫn coi họ như những HV khác, gần gũi, chia sẻ và chăm sóc cho họ bằng chế độ đặc biệt hơn”.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi bắt đầu rời trung tâm này về TX.TDM, tuy nhiên thông điệp yêu thương, chăm sóc, chia sẻ và giúp những cuộc đời lạc lối tìm lại cuộc sống thật của chính mình tại trung tâm này càng làm cho chúng tôi khâm phục những thầy cô, cán bộ đang làm việc tại đây. Trước khi ra về, anh Phạm Văn Tuyên nhắn nhủ, cộng đồng hãy đón nhận những con người lạc lối trở về, cần quan tâm, chia sẻ giúp đỡ họ làm lại cuộc đời. Đây là yếu tố quan trọng giúp HV ra trại có ý chí vươn lên; đồng thời giúp cho công tác cai nghiện đạt hiệu quả và hạn chế được vấn đề tái nghiện.
Kỳ 2: Cộng đồng dang rộng vòng tay
HỒ VĂN