Tham luận tại hội trường: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển
(BDO) Tiếp tục chương trình làm việc, chiều qua (26-10), Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 nghe các tham luận tại hội trường xoay quanh về huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển đô thị mới gắn với chỉnh trang đô thị hiện hữu bảo đảm hài hòa, đồng bộ…
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Trình bày tham luận tại đại hội, đại biểu Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quyết định thực hiện mục tiêu đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Để triển khai thực hiện, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 262.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20% hàng năm, trong đó vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hơn 95.000 tỷ đồng (chiếm 36,1%), tăng bình quân 14,0% hàng năm (vốn ngân sách Nhà nước chiếm 26,3%; còn lại đóng góp của doanh nghiệp và dân cư).
Tỉnh đã chủ động đầu tư các công trình giao thông đối ngoại quan trọng theo hướng liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đầu tư các trục giao thông đối nội nhằm tăng cường sự liên kết giữa các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được các thành phần kinh tế đầu tư đồng bộ, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, trong đó 26 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%. Các cụm công nghiệp cũng được tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện có 6/8 cụm hoạt động.
Tỉnh cũng đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần quan trọng trong phát triển sự nghiệp văn hóa và thể thao tỉnh nhà; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư khá tốt về số lượng, hiện đại đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan; mạng lưới bưu cục, hạ tầng viễn thông từng bước được chuẩn hóa, bảo đảm mỹ quan, an toàn, an ninh thông tin mạng và đáp ứng tối đa việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp.
Trong nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống, kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên kết nối giữa hệ thống giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia; rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình, bảo đảm cho việc nâng cấp đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020; đồng thời tập trung phát triển hệ thống hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, đặc biệt là nhà ở xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa thể thao, bảo đảm an sinh xã hội…
Giải pháp chủ yếu là thực hiện tốt công tác lập, thẩm định và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình trong đầu tư phù hợp cho từng dự án; tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Tỉnh cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); huy động xã hội hóa các công trình công cộng, dịch vụ, tiện ích xã hội; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước nói chung và đầu tư xây dựng cơ bản…
Xây dựng và phát triển đô thị mới gắn với chỉnh trang đô thị hiện hữu, bảo đảm hài hòa, đồng bộ
Đại biểu Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng khi trình bày tham luận tại đại hội cho biết, trong những năm qua, công tác phát triển đô thị đã đạt được một số thành tựu nhất định, không gian đô thị Bình Dương từng bước được hình thành theo hướng văn minh hiện đại, đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đô thị Thủ Dầu Một được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự lan tỏa đến các đô thị lân cận và rút kinh nghiệm phát triển đô thị toàn tỉnh.
Hiện nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính với 9 đô thị trực thuộc, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người. Đô thị Thủ Dầu Một đã được công nhận là đô thị loại II, tổng thể đô thị Bình Dương cơ bản đạt hầu hết các chỉ tiêu của tiêu chuẩn đô thị loại I. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 77%, các đô thị từng bước phát triển mở rộng về quy mô; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao.
Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh; Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020…”, đô thị Bình Dương phải được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, đi đầu trong quá trình phát triển, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh để thực sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho các tiểu vùng khác. Đồng thời, tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chuẩn loại I, quy hoạch chuyển đổi công năng một số khu, cụm công nghệp phía Nam gắn với đầu tư nâng cấp, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ; quan tâm công tác quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, công trình văn hóa, chợ nông thôn… đạt tiêu chí nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách nông thôn thành thị.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, tỉnh cần thực hiện đồng bộ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng đô thị; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị; quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục sắp xếp, củng cố về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đô thị; tăng cường thể chế nhằm nâng cao năng lực và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, trật tự, văn minh đô thị; kiểm soát sự phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, hấp dẫn các nhà đầu tư, thuận lợi cho sản xuất và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; tập trung xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và hệ thống dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện dân sinh; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án và khu đô thị và các chương trình đột phá để giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường…
NHÓM P.V