Thầm lặng những thầy thuốc trên “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh
(BDO) Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Chống dịch như chống giặc”. Trên “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tinh thần ấy thật sự đã và đang được những thầy thuốc áo trắng của tỉnh ra sức tập trung thực hiện với trách nhiệm cao cả...
Đội phản ứng nhanh TTYT huyện Bàu Bàng trang bị đầy đủ biện pháp bảo vệ cá nhân khi đến khám, tư vấn cho người lao động nước ngoài tại một doanh nghiệp trên địa bàn
Cùng vào cuộc
Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vai trò của những “chiến sĩ áo trắng” hầu như có mặt ở khắp mọi nơi. Từ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, vừa tham gia giám sát, theo dõi, quản lý đối tượng nghi ngờ, vừa tham gia khám, tư vấn và điều trị khi có ca bệnh. Họ vẫn ngày đêm âm thầm làm những công việc liên quan để góp phần phát hiện sớm, hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, hầu như với bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bàu Bàng không có ngày nghỉ ngơi. Vừa làm công việc chuyên môn, cùng các thành viên trong Ban giám đốc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa cùng anh chị em đồng nghiệp tham gia những hoạt động khám, tư vấn, giám sát các đối tượng nghi ngờ ở cộng đồng, trong các doanh nghiệp. “Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện, chúng tôi đã nhanh chóng thành lập đội phản ứng nhanh, tổ chức tập huấn cho thành viên trong đội để bắt tay vào cuộc ngay. Tinh thần, anh em chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng khi có lệnh, “trực chiến” 24/24 giờ...”, bác sĩ Chín chia sẻ.
“Hiện nay, lực lượng y tế dự phòng đang làm nhiệm vụ hết sức cao cả, đó là làm sao không cho dịch bệnh Covid-19 có cơ hội xâm nhập, lây lan. Kết quả công việc của những người làm y tế dự phòng khó mà đong, đo, đếm được. Nếu vượt qua “cuộc chiến” này mà Bình Dương thành công thì đó là thành quả của cả hệ thống y tế dự phòng, trong đó có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, cũng như sự phối hợp tham gia một cách quyết liệt, quyết tâm của các ngành, các cấp, địa phương”. (Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
Đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”, những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương vẫn đang “trực chiến” ngày đêm. Mỗi người một công việc, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích đó là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Hơn 20 giờ tối một ngày chủ nhật đầu tháng 2, do công việc đột xuất nên chúng tôi phải liên hệ với bác sĩ Huỳnh Minh Chín qua số điện thoại đường dây nóng. Vừa tranh thủ ăn vội miếng cơm còn dở, bác sĩ vừa trao đổi công việc với chúng tôi. Đang giữa chừng, anh phải xin lỗi tắt máy gọi lại sau để báo cáo tiến độ công việc khi ngành y tế yêu cầu. Sau này, khi trực tiếp gặp trao đổi công việc, nhìn cường độ làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao của những thầy thuốc như bác sĩ Chín trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, chúng tôi không khỏi khâm phục trước những hy sinh thầm lặng của những thầy thuốc áo trắng.
“Từ đầu vụ dịch đến nay, anh em trong đội phản ứng nhanh phải làm việc hết công suất. Ngoài những công việc liên quan khác tại đơn vị, anh em trong đội còn phải chia nhau đến các công ty để khám, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động, đặc biệt là những công ty có người lao động nước ngoài. Mỗi khi doanh nghiệp có yêu cầu hay nhận được tin báo là anh em nhanh chóng lên đường ngay. Làm nhiều quá, có người đuối luôn phải truyền nước biển, nhưng mới khỏe lại vẫn không chịu nghỉ ngơi mà tiếp tục cùng các thành viên trong đội bắt tay vào những công việc đang tiếp diễn hàng ngày...”, bác sĩ Chín cho biết.
Dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng nếu không kịp thời phát hiện, kiểm soát tốt. Thế nên, ai cũng lo, đặc biệt là những người thầy thuốc đang gánh vác trên mình nhiệm vụ cao cả - bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh Lường Văn Tâm, nhân viên khoa Kiểm soát dịch bệnh - Phòng chống HIV/AIDS, một trong những thành viên đội phản ứng nhanh của TTYT TP.Thuận An, chia sẻ thật tình bản thân anh những ngày đầu mới bước vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh này cũng có phần lo lắng. “Lúc đầu, do chưa nắm bắt hết các hướng dẫn, rồi điều trị bệnh này như thế nào... nên bản thân tôi cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, vừa làm vừa tìm hiểu, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của cấp trên, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ cá nhân khi làm việc... sự lo lắng ấy cũng nhanh qua đi. Bây giờ, điều mà những người làm y tế dự phòng như chúng tôi quan tâm nhất là lo cho sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi xác định, muốn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phải phòng, chống từ xa. Vì thế, công tác dự phòng có ý nghĩa rất lớn, nếu làm tốt dự phòng sẽ giảm được gánh nặng cho đội ngũ điều trị...”, anh Tâm chia sẻ.
Bình thường khi chưa có dịch bệnh Covid-19, những người làm công tác y tế dự phòng đã phải căng mình ra đi giám sát, phun thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, rồi tư vấn hướng dẫn người dân tham gia phòng, chống các dịch bệnh lây nhiễm khác. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, họ còn phải đối mặt thêm một dịch bệnh mới - dịch bệnh Covid-19, nên dù có khó khăn, vất vả, nhưng những thầy thuốc y tế dự phòng vẫn luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Nhìn bên ngoài ai cũng nghĩ, công việc của y tế dự phòng khá đơn giản, nhẹ nhàng không vất vả như hệ điều trị. Thế nhưng, vào cuộc rồi mới hiểu, làm công tác dự phòng thực sự rất nặng, làm gì cũng phải tính toán cho một số lượng người lớn, cho cả cộng đồng. Nhiều ngày qua, cũng như nhiều anh em khác, bản thân tôi đi làm về mệt quá chẳng muốn ăn uống gì. Giấc ngủ cũng chập chờn, phải canh điện thoại để nhận tin báo từ cấp trên, từ các nguồn khác...”, anh Tâm bày tỏ.
Có mặt mọi lúc mọi nơi
So với những ngày đầu mới bước vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì nay những “chiến sĩ” áo trắng đã không còn mang những nỗi lo cá nhân. Tất cả họ đang mang một nỗi lo lớn hơn, đó là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để trả lại nhịp sống sinh hoạt bình thường cho người dân. Khi nói về những đóng góp thầm lặng của những thầy thuốc áo trắng làm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Những ngày qua, những thầy thuốc trong lĩnh vực y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh đang cật lực. Kể cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí ban đêm, cứ có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 là tất cả hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở luôn có mặt một cách kịp thời, sẵn sàng đi vào mọi ngõ ngách để tiếp cận các đối tượng nguy cơ mà không ngại khó khăn, nguy hiểm. Họ phải hoàn thành nhiệm vụ, đó là làm sao quản lý, không sót đối tượng để chống lây lan dịch bệnh cho cộng đồng…”.
Để làm được điều đó, đòi hỏi những thầy thuốc phải vào cuộc, phải lăn xả với công việc bằng cả trái tim và trách nhiệm của mình. Từ khi bước vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến nay, bác sĩ Trần Tuấn Huy Cường, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - Phòng chống HIV/ AIDS, TTYT TP.Thuận An vẫn miệt mài đi về sớm khuya. Ngoài trực xử lý công việc tại khoa, anh còn nắm bắt tình hình để làm công tác tham mưu cho Ban giám đốc trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Với vai trò đội trưởng đội phản ứng nhanh của trung tâm, anh cùng với các thành viên trong đội đi xác minh thông tin, giám sát cộng đồng, điều tra dịch tễ những người nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam trên địa bàn thành phố, rồi khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe cho những đối tượng nghi ngờ... “Công việc này rất nhiều, mỗi người đều có danh sách xuất nhập cảnh từ sân bay gửi về. Mình phải lọc thông tin, xem danh sách người nào trên địa bàn để triển khai cho anh em đi xác minh thông tin liền. Trung bình mỗi ngày có 6 - 7 trường hợp, nhưng cũng có ngày lên đến 50 - 60 trường hợp cần phải xác minh thông tin... nên anh em chúng tôi không kể trên dưới đều phải vào cuộc mới làm hết việc được...”, bác sĩ Cường nói.
Xác định phòng, chống dịch bệnh phải làm từ xa, phải đi trước một bước, những thầy thuốc dự phòng luôn là những người tiên phong trong “cuộc chiến” này. Họ đến tận nơi, tiếp cận, nắm bắt thông tin đối tượng nghi ngờ, hướng dẫn cho đối tượng cách phòng dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng... Nói nghe thì dễ, nhưng làm được mới khó và không phải ai cũng có đủ can đảm để làm công việc của họ, bởi công việc ấy phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Bác sĩ Cường bày tỏ: “Thấy mình đi như vậy gia đình cũng lo cho mình lắm chứ. Ngay từ đầu mình đã chọn công việc này rồi, nên phải cố gắng làm thật tốt. Mình động viên gia đình, đặc thù công việc là vậy và khi đi làm luôn thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân đầy đủ, đúng quy định để bảo vệ mình. Thế nên, mọi người cũng yên tâm hơn, chia sẻ với công việc mình làm...”.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”, mỗi khi nhắc đến những thầy thuốc áo trắng đang ngày đêm âm thầm làm việc để góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trong tỉnh, chúng tôi lại nhớ đến câu hát nhiều ý nghĩa ấy. Hình ảnh những thầy thuốc sẵn sàng đi vào vùng dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua để hỗ trợ đồng nghiệp, mang niềm tin, sự an tâm đến với người dân nơi đây một lần nữa khẳng định tinh thần “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” mà Bác Hồ từng căn dặn đang được các thế hệ thầy thuốc tiếp tục phát huy. Những thầy thuốc áo trắng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh này vẫn âm thầm lặng lẽ thế đó, nhưng hiệu quả công việc họ đang làm lại mang đến ý nghĩa lớn lao cho cả cộng đồng.
HỒNG THUẬN