Thầm lặng những người lính biên cương
Vượt qua khó khăn
Giữa chốn rừng núi hoang vu, lực lượng đoàn viên thanh niên thị xã Thuận An chúng tôi đến như mang thêm niềm vui, phấn khởi cho các anh. Thượng tá Hoàng Tất Thắng, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn 783 tay bắt mặt mừng nói: “Nghe tin có ĐVTN ở Bình Dương đến thăm các anh em ở đây nôn nao từ bữa giờ, ăn ngủ không yên!”. Còn thượng úy Đậu Hải Ngọc, Phó Trưởng đồn nói thêm: “Quê tôi ở Bình Dương, lên đây công tác được gần 6 năm. Nghe có đoàn Bình Dương lên thăm tôi vui mừng khôn xiết. Giữa nơi vắng vẻ này mà được gặp gỡ, giao lưu với các bạn là niềm vui lớn với chúng tôi”. ĐVTN thị xã Thuận An chụp ảnh lưu niệm cùng CBCS đồn biên phòng 783 tại cột mốc 62 (giáp biên giới Campuchia
Đồn biên phòng 783 có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ vùng biên giới giữa nước ta và Campuchia. Công việc của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) là thường xuyên tuần tra để phát hiện kịp thời các đối tượng xấu. Để hiểu phần nào công việc của các anh, chúng tôi được lãnh đạo đồn cho trải nghiệm hành trình tuần tra vào rừng sâu để đến cột mốc 62 (nơi tiếp giáp biên giới Campuchia). Ngồi xe hơn chục cây số, chúng tôi còn phải cuốc bộ thêm đoạn đường dài hơn 2km mới đến nơi. Đường nhỏ, dốc cao, trơn trượt trong rừng sâu, vì thế không ít người đã trượt chân té. Chia sẻ nỗi vất vả, trung úy Phạm Thanh Long bộc bạch: “Đường hiểm trở lại vào tận rừng sâu nên các em chiến sĩ mới vào hầu hết đều ngán nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của đồng đội, nhất là cách đi tuần khu vực rừng rậm, dọc các con suối nên các em cũng quen việc dần. Giờ thì các bạn thấy đó, chiến sĩ nào cũng chạy băng băng…”. Được biết, theo lịch trình, mỗi tuần các anh phải đi tuần tra từ 2 - 3 lần, có những đêm thông báo có diễn biến xấu, các anh phải “nằm vùng” ngủ lại trong rừng.
Nhiệm vụ nặng nề nhưng điều kiện sống, sinh hoạt của các anh thiếu thốn nhiều thứ. Địa điểm của đồn cách quá xa đường lộ nên không thể kéo điện vào. Nguồn điện được dùng từ máy phát nên cũng hết sức tiết kiệm, ban đêm chỉ mở từ 18 - 20 giờ. Nguồn nước sử dụng từ giếng đào nên bị nhiễm phèn, còn giếng khoan thì không xài được vì thiếu điện. Hàng ngày, các anh thường xuống suối tắm giặt và lấy nước về dự trữ để dùng trong sinh hoạt. Để khắc phục, đồn đang tiến hành xây hồ lọc nước, trong năm sau sẽ đưa vào sử dụng.
Khó khăn là thế, nhưng bao phủ đồn luôn là những luống rau xanh tốt và đàn heo núc ních. Thượng tá Hoàng Tất Thắng khoe: “Để cải thiện bữa ăn, chúng tôi tăng cường tăng gia sản xuất. Hiện đồn đã có hơn 100 con heo và trồng nhiều loại hoa màu như: bầu, bí, cà bắp, củ cải trắng…”.
Ấm áp người dân vùng biên giới
Trong chuyến hành trình về vùng biên này, đoàn chúng tôi cũng đã đến thăm và tặng quà cho 5 gia đình chính sách, đồng bào dân tộc. Món quà tuy không lớn, mỗi phần quà gồm đường, sữa và 300.000 đồng tiền mặt nhưng đã làm ấm lòng những người dân nghèo nơi đây, là nguồn động viên rất lớn cho đồng bào về vật chất và tinh thần giữa trời đông lạnh giá.
Cầm món quà trên tay, anh Điểu Pêm, người dân tộc thiểu số ở thôn Bù Bưng, xã Đắc Ơ vui mừng nói: “Gia đình tôi rất vui khi nhận được món quà này. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn đoàn viên, các chiến sĩ Đồn biên phòng 783 đã quan tâm, giúp đỡ gia đình chúng tôi”.
Tối đến, trong không khí se lạnh, chúng tôi cùng ca hát, vui đùa, bàn tay nắm lấy bàn tay quây quần bên ánh lửa, cùng những câu chuyện nơi hậu phương và vùng biên giới được kể mãi khi ánh lửa dần tàn… Anh Nguyễn Văn Cho, Bí thư Đoàn trường Trung - Tiểu học Đức Trí (TX.Thuận An) cho biết: “Chuyến đi này vô cùng ý nghĩa đối với tôi cũng như các bạn chung đoàn. Tôi thật sự xúc động khi thấy được tình cảm gắn bó, đoàn kết của anh em chiến sĩ Đồn biên phòng 783 mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”.
Dịp này, Thị đoàn Thuận An đã trao tặng 1 công trình thanh niên trị giá 10 triệu đồng cho đồn, 1.000 quyển tập trắng cho học sinh nghèo, cùng các phần quà cho các CBCS.
Được biết, xã Đắc Ơ có hơn 14.000 dân, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đa số đồng bào nơi đây có trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn nên các anh chiến sĩ Đồn biên phòng 783 đã chung tay giúp họ về nhiều mặt, nhất là phát triển kinh tế. Cụ thể các anh mua cây giống về hướng dẫn họ trồng, cách chăm sóc; mở các lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ cho con em đồng bào… Đặc biệt, trong những năm qua đã có 10 căn nhà được xây dựng cho người dân với tên gọi “Mái ấm nơi biên giới”, nhà tình thương... Mỗi căn trị giá khoảng 40 triệu đồng, nửa kinh phí trong đó do đồn phối hợp cùng MTTQ xã vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp. Trung úy Phạm Thanh Long chia sẻ: “Đồng bào dân tộc ở xã Đắc Ơ còn khó khăn nhiều lắm. Họ cần nhiều sự giúp đỡ của mọi người để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Chuyến đi ngắn nhưng mang lại quá nhiều ý nghĩa, đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc và cả niềm vui vì lòng nhiệt thành của CBCS, sự vui sướng được khám phá những điều mới lạ. Song, bên cạnh đó còn đọng lại trong lòng chúng tôi những bâng khuâng về cuộc sống của người dân vùng biên, nhất là những em học sinh còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Con đường đến trường, cũng như tương lại phía trước còn gập ghềnh. Anh Lương Minh Tân, Bí thư Thị đoàn Thuận An chia sẻ: “Chuyến đi nhằm giáo dục các em về tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt đối với vùng biên giới, hải đảo. Gắn kết tình cảm giữa ĐVTN với bộ đội biên phòng, giữa hậu phương và biên giới. Góp phần cổ vũ tinh thần cho CBCS vùng biên cương, hải đảo. Sắp tới, Thị đoàn sẽ triển khai thực hiện thêm nhiều chuyến đi như thế nhằm giúp ĐVTN có những trải nghiệm thực tế, từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Hai ngày gặp gỡ giao lưu tạm khép lại. Chiếc xe từ từ lăn bánh, để lại sau lưng những cái vẫy tay chào tạm biệt nhưng những ký ức tốt đẹp thì chúng tôi còn mãi mang theo.
NGỌC NHƯ