Thăm làng mai Vĩnh Phú trước thềm xuân
(BDO) Những ngày cuối năm âm lịch, tiết trời se lạnh, dòng người chen chúc ngược xuôi tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp trước thềm xuân. Đến thăm làng mai Vĩnh Phú (TP.Thuận An), chúng tôi cảm nhận được sắc xuân đang về ...
Vườn mai của ông Lương Văn Lý đang được tỉa gọt, chỉnh dáng trước vụ tết
Vào mùa cao điểm
Men theo đường Vĩnh Phú 02, vượt cầu Đồn bắc qua rạch Vĩnh Bình, trước mắt chúng tôi mở ra một khung cảnh lãng mạn và không kém phần sôi động. Những người trồng mai đang hối hả chạy đua với thời gian để chuẩn bị đưa những gốc mai xinh xắn đến với mọi nhà. Ghé thăm vườn mai giảo (mai tự nhiên, không cấy ghép) của ông Lương Văn Lý, khu phố Đông (phường Vĩnh Phú), chúng tôi cảm nhận được sắc xuân đang tràn ngập. Vào tháng Chạp, những người trồng mai phải làm việc hối hả bất kể ngày đêm để kịp tạo hình, phân loại và vận chuyển những gốc mai đạt chuẩn ra điểm tập kết, chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ông Lý cho biết, do năm nay tình hình dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn nên quy mô vườn mai của ông cũng giảm hơn so với năm trước. Hiện tại, trong vườn mai của ông đang có khoảng 380 gốc, trong đó có khoảng 350 gốc đã sẵn sàng đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu.
Giới trồng mai phân mai ra làm hai loại, theo đó, một loại là mai tự nhiên, thuần chủng được dân trong nghề gọi là mai giảo. Loại thứ hai là mai ghép, để có được những gốc mai ghép đạt chuẩn, những người trồng mai phải có kỹ thuật cắt ghép điêu luyện, thuần thục và có kiến thức uyên thâm về chủng loại, giống mai để lựa chọn và cắt ghép, lai tạo thành gốc mai khỏe, tạo dáng đẹp và có hoa to, màu rực rỡ. Ông Lý cho hay, do nhà có nghề truyền thống trồng và chăm sóc mai giảo nên trước nay gia đình ông chỉ phát triển vườn mai của mình theo hướng này. Dù dáng và hoa có thể không đẹp bằng mai ghép nhưng những gốc mai này hoàn toàn phát triển tự nhiên, sức sống bền bỉ đồng thời khách mua về cũng dễ chăm sóc và tạo hoa cho dịp tết.
Cách vườn mai nhà ông Lý không xa là vườn mai ghép của nhà anh Trương Bá Vĩnh Lâm. Vườn mai này có khoảng 250 gốc mai ghép với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng được tạo hình đẹp khiến người xem phải đắm mắt nhìn ngắm thật lâu mới thỏa mãn. Anh Lâm cho biết, làm mai ghép vất vả hơn mai giảo khá nhiều. Để tạo ra được một gốc mai ghép có sức sống tốt, dáng đẹp, hoa đẹp thì người trồng mai phải có kỹ thuật và kiến thức giỏi, đồng thời dành nhiều thời gian chăm bón và quan sát sự phát triển. “Chỉ cần bỏ bê vườn mai vài hôm là dáng mai xuống rõ nét. Ghép cành, tạo dáng cho mai vất vả một thì sửa dáng mai cực gấp đôi”, anh Lâm chia sẻ.
Nguy cơ mai một
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú, cho biết nghề trồng mai ở Vĩnh Phú đã được hình thành cả trăm năm nay. Tuy nhiên, do đô thị hóa, công nghiệp hóa với nhiều ngành nghề phát triển mạnh, tạo thu nhập cao nên một số bà con đã chuyển đổi ngành nghề. Theo đó, năm 2010 Vĩnh Phú có 55 hộ trồng mai thì đến nay chỉ còn khoảng 20 hộ. “Nghề trồng mai vất vả mà thu nhập lại khá bấp bênh, sau khi được phường hỗ trợ đào tạo nghề mới có tiềm năng phát triển hơn, một số hộ đã chuyển đổi mô hình làm ăn. Số hộ trồng mai đã giảm đi khá nhiều, trong tương lai dự kiến sẽ tiếp tục giảm”, bà Châu cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có một gốc mai đưa ra thị trường, các hộ trồng mai phải dày công chăm bón từ 10 - 15 năm đối với mai giảo, từ 5 - 10 năm đối với mai ghép. Những người trồng mai ở Vĩnh Phú cho biết, một gốc mai giảo 15 năm tuổi nếu có dáng đẹp, gốc đẹp và ôm nhiều nụ sẽ được định giá từ 15 - 20 triệu đồng. Nhìn vào số tiền thì khá lớn, nhưng khi chia đều cho tiền công, vật tư theo số năm chăm sóc, tạo dáng thì lợi nhuận của người trồng mai không đáng bao nhiêu. Đây cũng là lý do khiến nhiều hộ bỏ nghề trồng mai trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thiện Tân, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng mai vừa chính thức chia tay với nghề này thì thu nhập thấp chỉ mới là một lý do khiến bà con bỏ nghề. Theo đó, lý do chính khiến những người này chia tay nghề truyền thống của gia đình là do trồng mai quá vất vả, so với trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả thì những người làm nghề này hầu như không có thời gian rảnh. “Thông thường, mỗi ngày người trồng mai phải bán lưng cho trời, bán mặt cho đất ở ngoài vườn từ 12 - 14 tiếng mỗi ngày, từ lúc gà chưa gáy đến khi mặt trời đã đi ngủ mới tạm rảnh tay”, ông Tân chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Mười, Phó Trưởng ban Điều hành khu phố Đông, phường Vĩnh phú, người có nhiều năm chứng kiến sự thay đổi, thăng trầm của nghề trồng mai trên địa bàn phường, cho biết một nguyên nhân nữa khiến nhiều hộ quyết định bỏ nghề trồng mai là sức mua của thị trường những năm gần đây giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, các yếu tố về khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm khá nặng khiến cho mai khó phát triển, khó tạo dáng đẹp.
ĐÌNH THẮNG