Thăm lại vườn cao su lịch sử

Thứ bảy, ngày 27/06/2020

(BDO)

 Mô hình công việc hàng ngày của những người công nhân cao su được dựng lại tại khu di tích này

 Khách tham quan nhà truyền thống tại khu di tích

Cao su đi dễ khó về

Vườn cao su thời Pháp thuộc này hiện nay chính là lô 50, làng 14 của Nông trường Cao su Trần Văn Lưu thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Trải qua bao thăng trầm thời gian, những cây cao su nơi đây có gốc cây khá to, thân sần sùi nhưng lá vẫn xanh. Những đường cạo của người phu cao su năm nào vẫn còn hằn rõ trên thân cây. Theo giới thiệu của một cán bộ thuyết minh thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, vườn cao su này là một phần đồn điền cao su do Hãng Cao su Michelin (Pháp) đến mộ phu công tra, phá rừng lập nên vào khoảng năm 1917. Lúc đầu, nguồn lao động phục vụ chủ yếu là nông dân địa phương. Do nhu cầu công nhân ngày càng tăng, Michelin tuyển thêm phu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Đến năm 1930, số phu công tra nơi đây đã lên đến gần 1.000 người và ngày càng tăng lên. Khi lực lượng lao động tăng lên, việc quản lý cũng gặp phải những khó khăn. Do đó, để dễ bề quản lý, chủ Pháp đã chia đồn điền thành 22 làng và quản lý hết sức khắc nghiệt, đối xử thô bạo đối với phu cao su.

Sức lao động bị bóc lột, còn bị đánh đập thường xuyên, thêm vào đó là sự khắc nghiệt chốn rừng núi, nên cuộc sống của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng thời thuộc Pháp vô cùng cơ cực. Thiếu ăn, thiếu mặc, sinh hoạt cực khổ, lại còn bị đối xử hà khắc, những người phu cao su đã đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình. Đó là những cuộc đình công, đấu tranh chống sự bóc lột, đánh đập của chủ các đồn điền, đòi ngày làm 8 tiếng, chống chế độ gạo mục cá thối, bảo đảm tiền lương… Cao điểm, vào tháng 3-1933, hơn 2.000 công nhân mang theo dao, gậy tổ chức đình công đòi yêu sách. Cuộc đình công này kéo dài đến mấy ngày liền, cao su không có người khai thác nên nhà máy bị đình trệ sản xuất. Trước tình hình đó, chủ đồn điền đã phải nhượng bộ, hứa sẽ thực hiện những yêu sách do công nhân đưa ra, như: Phát lương đúng định kỳ, phát đủ khẩu phần gạo hàng ngày, không đánh đập công nhân… Những thắng lợi ban đầu của cuộc đấu tranh này không chỉ thể hiện phong trào công nhân cao su ngày càng phát triển, mà còn tiếp thêm sức mạnh cho những phong trào đấu tranh về sau.

Gìn giữ giá trị lịch sử

Cùng với thời gian, nhiều vườn cao su già, không còn khai thác mủ đã được thanh lý để thay vào đó là những vườn cao su mới, có năng suất hơn. Để bảo tồn, lưu giữ lịch sử gắn liền với cao su Dầu Tiếng, lô 50, làng 14 đã được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng giữ lại nguyên hiện trạng. Tính đến nay, vườn cao su thời Pháp thuộc này đã có hơn 100 năm tuổi. Tháng 4-2009, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định công nhận vườn cao su thời Pháp thuộc này là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Sau khi được UBND tỉnh công nhận, tháng 10-2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng ở vườn cao su này một “Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc” để tăng thêm giá trị cho di tích nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Sau khoảng 1 năm xây dựng, khu trưng bày đã hoàn thành, đưa vào phục vụ khách tham quan từ tháng 5-2011.

Khu trưng bày nằm trong vườn cao su được trồng từ những năm 1920. Những cây cao su già cỗi, in dấu thời gian bởi những vết hằn từ đường dao cạo mủ của phu công tra xưa. Khu trưng bày có các hạng mục, hiện vật được sưu tầm nguyên bản và phục dựng lại để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Điểm nhấn đầu tiên khi bước chân vào khu di tích này mà chúng tôi được giới thiệu là 3 căn nhà ở của công nhân công tra xưa (được làm khoảng năm 1925- 1935). Sau đó, du khách tiếp tục đến tham quan nhà máy chế biến mủ tờ “mini” được dời một phần từ nhà máy ở trung tâm công ty do người Pháp để lại, kèm theo một máy bửa củi để lấy củi đưa vào lò xông. Ngoài ra, trong khu trưng bày còn xây dựng thêm một nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật có giá trị. Bên ngoài vườn cây là hình tượng tái dựng lại của những người công nhân đang đứng cạo mủ, tay xách thùng trút mủ với những công cụ lao động khá thô sơ. Cuộc sống sinh hoạt của người công nhân cao su trước đây cũng được tái hiện lại một cách sinh động, gần gũi... Đến nay, tận mắt quan sát và nghe giới thiệu về lịch sử, cuộc sống lao động, sinh hoạt của người công nhân cao su, mọi người sẽ cảm nhận được phần nào những khó khăn, cơ cực và cả những khổ đau của người công nhân cao su sống dưới chế độ Pháp thuộc.

Ngoài cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, trong thời gian qua, di tích còn đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh, người dân và học sinh các trường học quanh vùng đến đây tham quan, tìm hiểu. Việc tái hiện hình ảnh tại di tích này chính là ý thức coi trọng và giữ gìn truyền thống cách mạng giai cấp công nhân cao su nơi đây. Hiện nay, di tích vẫn do Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng giữ gìn, bảo quản và phân công nhân viên thuyết minh giới thiệu khi có đoàn đến liên hệ tham quan. Việc xây dựng Di tích lịch sử vườn cao su thời Pháp thuộc có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục lịch sử cho thế hệ mai sau. Nơi đây không chỉ là minh chứng về một thời kỳ lịch sử mà còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử dân tộc, đặc biệt là sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân trong các đồn điền cao su để chống lại chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

HỒNG THUẬN

Từ khóa: