BÁC SĨ HỒ HOÀNG VÂN, PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH:
Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước...
(BDO) Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số (DS). Xuất phát từ ý nghĩa đó, Tháng hành động quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam (26-12) năm nay đã chọn chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” làm nội dung chính để truyền tải thông điệp về nâng cao chất lượng DS đến người dân. Để hiểu hơn về công tác này cũng như những lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn tỉnh, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh một số nội dung liên quan.
Tư vấn sức khỏe cho thanh niên trước khi kết hôn tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng
- Để thực hiện mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội như tỉnh đã xác định, trong quá trình thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, nội dung về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được ngành DS-KHHGĐ tỉnh quan tâm như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thực hiện Quyết định số 25/QĐ-BYT ngày 7-1-2011 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, từ năm 2015, tỉnh Bình Dương đã đưa nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào kế hoạch tuyên truyền vận động người dân thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng DS bên cạnh các chương trình, đề án khác, như: Đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…
Hiện tại hàng năm, nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được đưa vào làm một trong các chỉ tiêu công tác DS, tăng cường hoạt động truyền thông tư vấn nam/nữ thanh niên khám sức khỏe trước khi kết hôn. Theo Kế hoạch số 4651/ KH-UBND ngày 22-9-2020 của UBND tỉnh, Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% và 95% vào năm 2030. Bên cạnh đó, hàng năm, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cũng lồng ghép nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào các nội dung tuyên truyền trong các trường THPT nhằm cập nhật kiến thức cho đối tượng thanh niên, vị thành niên.
- Theo bác sĩ, việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn có ý nghĩa, lợi ích như thế nào? Nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn cần quan tâm đến việc này như thế nào?
- Việc tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn có ý nghĩa và lợi ích rất lớn đối với nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân, mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người sẽ là chồng/vợ của mình, tương lai của con cái sau này và trách nhiệm với xã hội, vì đây là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng DS.
Thực tế hiện nay ở nước ta, các cặp đôi chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất các cặp đôi nên đi tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tối thiểu là 3 - 6 tháng để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp người chuẩn bị kết hôn có những kiến thức hữu ích nhất để khởi đầu cho một cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn. Việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn có những lợi ích sau: Giúp tầm soát sớm và điều trị kịp thời các bệnh về sức khỏe sinh sản và khả năng mang thai; giúp phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh tật trong đó có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới đời sống tình dục của các cặp vợ chồng sau này; dự phòng và điều trị những bệnh lý tiềm ẩn, giúp cho việc mang thai và sinh nở về sau được suôn sẻ; kiểm tra khả năng sinh sản ở các cặp vợ chồng, điều trị sớm một số bệnh có khả năng gây ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con; giúp tránh được một số dị tật bẩm sinh cho con cái trong tương lai.
Đây còn là giải pháp giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình, chuẩn bị cho các cặp đôi sắp cưới những kiến thức hữu ích cần thiết và tâm lý vững vàng cho đời sống tình dục, tránh được tình trạng rối loạn cảm xúc, lo lắng, nghi ngờ nhau hay không thỏa mãn trong quan hệ vợ chồng. Người được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn được hướng dẫn các biện pháp KHHGĐ phù hợp nhất, kiểm soát việc mang thai và sinh nở, tránh tình trạng nạo phá thai do mang thai ngoài ý muốn.
- Đến thời điểm này, chỉ tiêu về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn mà Chi cục DS-KHHGĐ đặt ra trong năm 2023 đã đạt được kết quả như thế nào? Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đối với công tác này ra sao trong thời gian tới, thưa bác sĩ?
- Năm 2023, chỉ tiêu về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân của tỉnh ước thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh có 7.144/8.346 người thực hiện, đạt 85,6% (kế hoạch đề ra 80%, vượt 5,6%). Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu là kết quả hoạt động tư vấn về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Tỷ lệ khám sức khỏe trước khi kết hôn chưa nhiều, trừ các trường hợp bắt buộc theo quy định, như quy định về giấy khám sức khỏe trước khi kết hôn để bổ sung vào hồ sơ kết hôn trường hợp kết hôn với người nước ngoài.
Trong thời gian tới, để chương trình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt mục tiêu đề ra, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền về lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Nên chăng cần có quy định ràng buộc việc này đối với nam, nữ chuẩn bị kết hôn nhằm thay đổi nhận thức của nam, nữ thanh niên về vấn đề này. Giống như ý nghĩa chủ đề của Tháng hành động quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam năm nay đã đề ra, những cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn cần đi tư vấn, khám sức khỏe vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước.
- Xin cám ơn bác sĩ!
HỒNG THUẬN (thực hiện)