Thẩm định dự thảo luật đất đai sửa đổi
(BDO) Sau khi lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và nếu đủ điều kiện thì sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Công đoạn thẩm định của Quốc hội là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, cũng như tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi).
Một góc thành phố Hà Nội.
Một điều thú vị là có vẻ như việc thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội bắt đầu ngay cả trước khi nó chính thức được trình.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) mới đây, một đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chánh án TANDTC cho ý kiến về một chính sách mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đó là chuyển hết các tranh chấp và khiếu kiện đất đai sang cho tòa án giải quyết thay vì giải quyết bằng thủ tục hành chính trước một bước như hiện nay.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời rằng không nên chuyển hết tất cả các tranh chấp, khiếu kiện đất đai cho tòa án giải quyết.
Ý kiến phát biểu này hoàn toàn chính xác.
Trước hết, mỗi năm có hàng chục nghìn vụ tranh chấp, khiếu kiện, trong đó có tới hơn 70% liên quan về đất đai. Nếu chuyển tất cả các tranh chấp, khiếu kiện này cho tòa án, thì ngành tòa án sẽ không thể nào có đủ nhân lực và vật lực để giải quyết.
Thứ hai, để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đất đai, thì thủ tục hành chính trong rất nhiều trường hợp đơn giản và hiệu quả hơn thủ tục tư pháp rất nhiều. Mà như vậy thì chi phí của Nhà nước, cũng như của người dân sẽ được cắt giảm rất đáng kể. Sử dụng thủ tục tư pháp cho mọi tranh chấp và khiếu kiện quả thực sẽ gây ra lãng phí rất lớn về thời gian và tiền của.
Theo thông lệ quốc tế, các tranh chấp, khiếu kiện về cơ bản đều được các nước ưu tiên giải quyết bằng thủ tục hành chính. Chỉ khi các cơ quan hành chính không giải quyết được hoặc các bên tranh chấp, khiếu kiện không chấp nhận quyết định của chính quyền, thì vụ việc mới được chuyển sang cho tòa án.
Ưu tiên giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng thủ tục hành chính còn có nguyên nhân là chính quyền luôn luôn có nguồn nhân lực dồi dào hơn tòa án và trình độ trong nhiều lĩnh vực cũng chuyên sâu hơn.
Thứ ba, về mặt văn hóa, người Việt rất ngại “đáo tụng đình”. Người dân vẫn thích gửi đơn thư khiếu kiện đến chính quyền hơn là đến tòa án.
Mặc dù chất vấn không phải là để thẩm định, phiên chất vấn ngày 20/3/2023 đã làm rõ được một việc rất quan trọng là Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất một chính sách chưa hợp lý và khó khả thi. Có bao nhiêu chính sách như vậy đang được đề ra trong Dự thảo?
Quả thực, nếu không chất vấn cho hết sẽ rất khó trả lời. Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung và bổ sung mới khoảng 80% tổng số điều, thì số lượng những chính sách được sửa đổi hoặc được hoạch định mới là rất lớn. Càng nhiều chính sách mới thì sự xung đột với các chính sách đã được ban hành càng khó tránh khỏi.
Một số chuyên gia cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đụng chạm đến các quy định của 88 văn bản luật và dưới luật. Một số chuyên gia khác thì cho rằng sẽ có khoảng 44 văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đây quả thực là một công việc vô cùng to lớn và khó khăn, nếu không được hoàn thành với chất lượng cao trước khi Luật Đất đai mới được ban hành, thì sự ách tắc có thể xảy ra đối với toàn bộ hệ thống. Đó là chưa nói tới rủi ro của tình trạng mất ổn định pháp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, cũng như mưu sinh của người dân.
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy, Quốc hội cần tập trung thời gian, công sức để thẩm định một cách kỹ càng nhất có thể đối với tất cả những chính sách mới được đề xuất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo NDO