Thái Lan-Diễn biến ngày đầu tiên phong tỏa: Bangkok tê liệt
Người biểu tình tuần hành trên các đường phố ở Bangkok.
Ngày đầu tiên trong chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok do ông Suthep Thaugsuban phát động, người biểu tình đã tràn xuống khắp các đường phố ở thủ đô.
Tại các điểm nút giao thông, khu trung tâm thương mại và các tòa nhà cơ quan chính phủ, người biểu tình đã dựng rào chắn và lều trại, với mục làm tê liệt hoạt động của các ngành nghề.
Các trụ sở cơ quan công quyền và trường học ở thủ đô Bangkok đã tuyên bố đóng cửa vì lý do an ninh, tuy nhiên, các trung tâm thương mại vẫn mở cửa hoạt động bình thường.
Ở trụ sở cảnh sát quốc gia, người biểu tình đã vây chặt cửa ra vào, nhưng không hề thấy lực lượng cảnh sát được triển khai như mọi khi.
Theo người phát ngôn quân đội Thái Lan Winthai Suwari, binh sỹ chỉ được triển khai ở một vài điểm, đặc biệt là ở khu văn phòng chính phủ nhằm trợ giúp đảm bảo trật tự và luật pháp, chứ không chỉ để bảo đảm an toàn cho người biểu tình.
Ông Withai còn nói rằng quân đội không can thiệp vào tình hình chính trị và sẽ để cho các bên tự tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột cho dù Ủy ban bầu cử đã đề nghị Thủ tướng Yingluck Shinawatra hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Chính phủ Thái Lan tuyên bố hiện vẫn chưa phải sử dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok bởi mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Giao thông ở một vài điểm có gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa có thông báo nào về tình trạng bạo lực xảy ra.
Chính phủ đã kêu gọi tất cả mọi người nên kiềm chế và các cuộc biểu tình có thể được tiếp tục, nhưng phải đảm bảo hòa bình, trật tự và không bạo lực.
Ngoài ra, họ còn khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết thì không nên tới các khu vực biểu tình chiếm đóng.
Thủ tướng Yingluck đã chỉ định cho người cấp phó của bà là ông Phongthep Thepkanjana tổ chức các cuộc gặp với tất cả các bên liên quan tới đề xuất hoãn tổng tuyển cử của Ủy ban bầu cử quốc gia.
Dự kiến ông Phongthep sẽ mời đại diện của các nhóm gồm Ủy ban bầu cử, các đảng phái chính trị, các nhóm muốn tổ chức bầu cử và phản đối bầu cử. Nhiều khả năng cuộc gặp này sẽ diễn ra vào 15-1 tới.
Hiệp hội thương mại tại trung tâm Ratchaprasong gồm Central World và Siam Square đã ra tuyên bố kêu gọi người biểu tình ngừng phong tỏa các khu vực buôn bán của họ vì lo ngại hành động này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, giảm lòng tin của nhà đầu tư cũng như làm giảm lượng khách du lịch tới Thái Lan.
Khu vực này thông thường vẫn thu hút khoảng 250.000 khách du lịch mỗi ngày và nó từng bị thiệt hại nặng nề trong thời gian phe áo đỏ tổ chức biểu tình năm 2010.
Chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok lần này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 20 ngày, với mục tiêu chính là nhằm ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 diễn ra.
Chiến dịch này có thể sẽ gây thiệt hại khoảng 1,25 tỷ USD cho nền kinh tế Thái Lan. Nguyên nhân của những thiệt hại này là do tiêu dùng và du lịch sụt giảm.
Ước tính người tiêu dùng Thái Lan sẽ chi tiêu chưa tới 500 triệu baht mỗi ngày, đồng thời thu nhập du lịch tính theo ngày cũng giảm khoảng từ 200 triệu baht đến 500 triệu baht.
Chi tiêu của người dân tại trung tâm Bangkok dự kiến có thể sẽ giảm 5-10%, trong khi chi tiêu tại các khu vực khác và các tỉnh, thành có thể giảm từ 1-5%.
Tổng sản phẩm quốc nội có thể chỉ đạt tăng trưởng từ 3-4% trong năm 2014, thấp hơn dự báo khoảng 4-5%.
Trong trường hợp không thể giải quyết nổi những tranh cãi trong tháng này thì GDP trong quý 1-2014 sẽ còn giảm hơn nữa.
Về tác động của việc đóng cửa Bangkok đối với ngành du lịch, dự kiến sẽ thua lỗ khoảng 18 tỷ bạt trong tháng 1/2014 bởi số lượng khách du lịch chỉ đạt khoảng 2,1 triệu trong tháng này, thấp Ngành du lịch Thái Lan dự báo nếu tình hình hiện nay không dẫn tới bạo lực, số lượng khách du lịch có thể đạt 29 triệu người trong năm 2014 và doanh thu ít nhất sẽ đạt 2.050 tỷ baht, trong đó người nước ngoài đóng góp 1.350 tỷ baht./.
Theo TTXVN