Thái Lan: Chiếc ghế Thủ tướng vẫn chưa có chủ

Thứ hai, ngày 17/07/2023

(BDO) Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua - là ứng cử viên thủ tướng duy nhất được đề cử nhưng không giành được đủ 376 phiếu cần thiết để đắc cử thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/7.

Sau cuộc tranh luận kéo dài 6 giờ, các nghị sĩ đã bỏ phiếu. Kết quả là, trong số 705 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, ông Pita đã giành được 324 phiếu ủng hộ, 182 phiếu chống và 199 phiếu trắng, không đủ điều kiện trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, Quốc hội dự kiến ​​sẽ tổ chức vòng bỏ phiếu khác vào ngày 19 và 20/7 và ông Pita có thể tiếp tục tranh cử ghế thủ tướng nếu lại được liên minh 8 đảng đề cử.

Những đòn giáng liên tiếp

Cuộc bỏ phiếu hôm 13/7 là một “bài kiểm tra” quan trọng đối với ảnh hưởng chính trị của ông Pita và là thước đo sự phản đối đối với chương trình nghị sự của ông, bao gồm loại bỏ quân đội khỏi nền chính trị, hạn chế độc quyền kinh doanh và sửa đổi luật quy định án tù dài vì xúc phạm chế độ quân chủ.


Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) - không giành đủ số phiếu cần thiết để đắc cử thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/7.

Ông Pita liên tiếp hứng chịu nhiều “đòn giáng” mạnh vào sự nghiệp chính trị của mình. Một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận xử lý vụ kiện cáo buộc ông âm mưu lật đổ chế độ quân chủ. Đề xuất của MFP nhằm sửa đổi luật khi quân hà khắc, vốn đã bỏ tù hàng trăm người chỉ trích chế độ quân chủ, bị coi là nỗ lực lật đổ toàn bộ trật tự chính trị của Thái Lan.

Thông báo của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được đưa ra cùng ngày Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đề nghị cơ quan này đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita trong lúc tòa xem xét vụ kiện ông này sở hữu cổ phần công ty truyền thông iTV. EC trước đó nhất trí với kết luận rằng họ có đủ bằng chứng để chứng minh ông Pita sở hữu 42.000 cổ phiếu của iTV khi ông đăng ký tham gia tranh cử. Luật Bầu cử Thái Lan quy định các ứng viên nghị sĩ không được sở hữu công ty truyền thông.

Không rõ khi nào Tòa án Hiến pháp sẽ cân nhắc về vụ việc, nhưng về mặt kỹ thuật, theo luật của Thái Lan, ông Pita vẫn có thể trở thành thủ tướng ngay cả khi ông bị loại khỏi Quốc hội. Bởi, theo Hiến pháp Thái Lan, người đứng đầu chính phủ nước này không nhất thiết phải là nghị sĩ.

Ông Pita vẫn còn cơ hội?

Phát biểu sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Pita tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực tranh cử thủ tướng. Đảng của ông sẽ lập lại chiến lược để thu thập sự ủng hộ cần thiết ở vòng bỏ phiếu tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng Pheu Thái - đối tác liên minh của MFP, đảng có liên kết với nhà lãnh đạo lưu vong Thaksin Shinawatra - sẽ đưa ra một ứng cử viên cho cuộc bỏ phiếu thứ hai hoặc thứ ba tại Quốc hội. Bà Punchada Sirivunnabood, phó giáo sư tại Đại học Mahidol của Thái Lan cho biết nếu ông Pita tái tranh cử sẽ khó có thể thu hút đủ sự ủng hộ để trở thành thủ tướng.  Bà Punchada nói: “Đối với thượng viện, sẽ rất khó để MFP nhận được nhiều phiếu bầu hơn trong vòng thứ hai và điều nguy hiểm là những người đã bỏ phiếu (cho ông Pita) có thể sẽ bị các thượng nghị sĩ khác vận động để không tiếp tục bỏ phiếu cho ông trong vòng thứ hai”. Bà Punchada cho rằng kịch bản một ứng cử viên của Pheu Thai được chọn làm thủ tướng có thể được một số cử tri chấp nhận, bao gồm cả những người chỉ đơn giản muốn lật đổ ông Prayuth Chan-ocha - cựu chỉ huy quân đội, người đã nắm quyền kể từ khi ông lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi ít có khả năng hài lòng với sự sắp xếp này và sẽ phản đối.

Pheu Thai từng là kẻ thù công khai số 1 của phe bảo hoàng. Đảng này có quan hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, một tỷ phú theo chủ nghĩa dân túy, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Các đảng do ông Thaksin hậu thuẫn về nhất trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001 cho đến tháng 5 vừa qua, nhưng lần nào cũng bị chặn đứng hoặc buộc phải từ bỏ quyền lực. Ví dụ gần đây nhất là cuộc đảo chính năm 2014 đã lật đổ chính quyền do em gái ông Thaksin - bà Yingluck Shinawatra đứng đầu. Pheu Thai đã chính thức đề cử 3 thành viên của mình làm ứng cử viên thủ tướng tiềm năng trong năm nay, trong đó có con gái của ông Thaksin là Paetongtarn Shinawatra.

Những “luồng gió” trong nền chính trị Thái Lan đã có sự thay đổi. Pheu Thai hiện được coi là một đảng mà phe bảo hoàng có thể xử lý được, so với MFP - đảng mà họ coi là cực đoan. Tuy nhiên, khả năng bất kỳ liên minh được đề xuất nào bao gồm cả MFP sẽ không được chấp thuận có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Nếu không có sự hậu thuẫn của MFP, Pheu Thai phải tranh thủ các đồng minh từ các đảng thân quân đội, điều mà họ thề sẽ không làm. Về lâu dài, việc tìm kiếm một liên minh như vậy có thể làm xói mòn uy tín của Pheu Thai với những người ủng hộ gắn bó với đảng này.

Ngoài ra, còn một khả năng khác đó là nhường ghế thủ tướng cho một đối tác liên minh mới gia nhập - đảng Bhumjaithai. Đảng này đã giành được vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 và giành được 71 ghế Hạ viện. Lãnh đạo Bhumjaithai, Anutin Charnvirakul, từng là Bộ trưởng Y tế trong chính phủ sắp mãn nhiệm và không giấu giếm tham vọng chính trị của mình.

Chính trị luôn có nhiều biến số và không ai có thể nói chắc được điều gì. Kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua khiến vị trí Thủ tướng Thái Lan vẫn “treo lơ lửng” và người dân Thái Lan sẽ phải tiếp tục hồi hộp chờ đợi cuộc bỏ phiếu lần thứ hai, thậm chí cả lần thứ ba, để quyết định ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.

Theo CAND