Thái Lan bế tắc về cách thức thực hiện cải cách chính trị

Thứ hai, ngày 23/12/2013

 Người biểu tình tập trung tại Bangkok để phản đối cuộc bầu cử diễn ra theo dự kiến vào 2-2-2014. 

Tiến trình thực hiện cải cách tại Thái Lan đang trở thành nguyên nhân gây ra bế tắc chính trị hiện nay ở nước này khi các bên đều muốn bảo vệ và áp đặt quan điểm của mình đối với phía kia.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tuyên bố một lộ trình để thực hiện cải cách đất nước, trong đó bà tiếp tục khẳng định tiến hành bầu cử vào 2-2-2014 và yêu cầu tất cả các đảng phái cam kết thực hiện cải cách sau cuộc bầu cử này.

Theo bà Yingluck, chính phủ phải thực hiện theo các quy định của luật pháp, hiến pháp và tiến trình cải cách cần phải được tiến hành thông qua các cơ chế nghị viện và chính phủ.

Kế hoạch của chính phủ là thành lập một hội đồng mang tên Hội đồng cải cách Thái Lan sau bầu cử để thực hiện nhiệm vụ trong vòng hai năm. Khi mọi vấn đề cải cách đã được các bên nhất trí thực hiện, chính phủ sẽ giải tán quốc hội để tiến hành cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình do cựu nghị sỹ đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban lại tuyên bố không chấp nhận điều này và thề sẽ ngăn chặn cuộc bầu cử.

Kế hoạch của những người biểu tình là buộc thủ tướng từ chức để lựa chọn một Hội đồng nhân dân cùng một thủ tướng mới để thực hiện cải cách chính trị theo ý họ.

Ý tưởng của người biểu tình đã được đảng Dân chủ đồng tình và khích lệ bằng quyết định tẩy chay cuộc tổng tuyển cử sắp tới của đảng này.

Đảng dân chủ lập luận rằng kế hoạch thành lập Hội đồng cải cách sau bầu cử chỉ là âm mưu nhằm tách những người biểu tình khỏi phong trào phản đối chính phủ, giảm bớt số lượng người biểu tình để giải tỏa bớt sức ép.

Ủy ban bầu cử Thái Lan, sau cuộc gặp Thủ tướng Yingluck, đã nhất trí sẽ thực hiện tiến trình chuẩn bị bầu cử như kế hoạch mặc dù họ vẫn bày tỏ lo ngại rằng phong trào biểu tình hiện nay có thể sẽ gây cản trở cho việc đăng ký ứng cử viên bắt đầu từ ngày mai (23-12).

Phong trào biểu tình trong ngày hôm nay đã tổ chức tuần hành tới nhiều điểm thu hút đông người để kiểm tra sự ủng hộ của người dân Bangkok đối với phong trào chống chính phủ, đồng thời kêu gọi những người còn lưỡng lự xuống đường với họ.

Các thủ lĩnh biểu tình cũng tuyên bố sẽ dẫn những đoàn người ủng hộ tới ngăn cản việc đăng ký ứng cử viên từ ngày mai.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã tuyên bố trước người biểu tình rằng ông tin "chế độ" Thaksin sẽ sụp đổ sau khi phong trào chống chính phủ vẫn thu hút hàng trăm nghìn người xuống đường trong ngày 22-12.

Theo ông này, hôm nay những người biểu tình làm tê liệt thủ đô trong nửa ngày. Nếu Thủ tướng Yingluck không từ chức, họ sẽ làm toàn bộ thủ đô Bangkok tê liệt trong một ngày và nó sẽ được kéo dài hàng tháng nếu thủ tướng vẫn không chấp nhận.

Theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm NIDA (Học viện hành chính quốc gia), cuộc tổng tuyển cử sắp tới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và sẽ không diễn ra suôn sẻ.

Cuộc thăm dò này được tiến hành trong tuần qua, trong đó cho thấy gần 55,4% trong số 1.254 người được hỏi cho rằng cuộc bầu cử sẽ phải đối mặt với sự phản đối của người biểu tình và sẽ không thể diễn ra một cách êm đẹp.

Liên quan tới tình hình chính trị hiện nay, có hơn 47% số người trong cuộc thăm dò này cho rằng bất ổn sẽ vẫn tiếp tục. Chỉ có hơn 20% tỏ ra lạc quan về tình hình sẽ được cải thiện trong khi gần 22% cho rằng xung đột chính trị sẽ càng thêm sâu sắc sau bầu cử.

Người phát ngôn đảng Vì Thái Lan Prompong Nopparit cho rằng Ủy ban bầu cử nên thực hiện đúng luật pháp đối với những người biểu tình nếu họ tấn công nơi đăng ký bầu cử và cản trở các ứng cử viên đăng ký các thủ tục.

Dự kiến Ủy ban bầu cử sẽ tiếp nhận đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng từ 23 đến 27-12-2014 và ứng cử viên theo khu vực bầu cử từ 28-12-2013 đến 1-1-2014.

Theo TTXVN