Thách thức với tham vọng tách rời năng lượng Nga của phương Tây
(BDO) Tổng thống Biden tuyên bố sẽ chuyển khí đốt tới châu Âu để giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga, nhưng kế hoạch tham vọng này đối mặt nhiều thách thức.
Cuộc xung đột Ukraine đã khiến Đức, quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga, phải xem xét lại kế hoạch năng lượng. Đức đặt mục tiêu giảm một nửa nhập khẩu dầu và than đá từ Nga trong năm nay, đồng thời thoát phụ thuộc khí đốt tự nhiên của Nga vào giữa năm 2024. Phó thủ tướng Đức Robert Habeck trong một cuộc họp báo ngày 25/3 ở Berlin nói quốc gia này đang tách khỏi nguồn năng lượng Nga với "tốc độ điên cuồng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khuyến khích động thái tương tự ở các nước châu Âu khác, một phần bằng cách đề nghị Washington trở thành nhà cung cấp năng lượng thay thế Moskva.
Trong chuyến công du châu Âu tuần này, Tổng thống Biden hôm 25/3 ký thỏa thuận với các lãnh đạo EU nhằm chuyển 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong năm nay, chiếm khoảng 10-12% lượng xuất khẩu hàng năm của Mỹ. Ông tuyên bố đến năm 2030, Washington sẽ đặt mục tiêu tăng nguồn cung LNG cho châu Âu lên tới 50 tỷ mét khối.
Động thái này đã khiến nhiều người trong ngành năng lượng Mỹ bất ngờ. Các giám đốc công ty dầu mỏ và khí đốt đã tỏ ra bất ngờ khi được kêu gọi giúp các đồng minh châu Âu thoát khỏi năng lượng Nga.
"Tôi không biết châu Âu sẽ làm điều này như thế nào, nhưng tôi không muốn chỉ trích họ, bởi đây là lần đầu tiên họ cố gắng làm điều đúng đắn", Charif Souki, chủ tịch Tellurian, nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang có kế hoạch xây một kho lưu trữ xuất khẩu ở Louisiana, nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại buổi họp báo chung ở Brussels, Bỉ hôm 25/3. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, nỗ lực tăng khí đốt Mỹ tới châu Âu lập tức vấp phải trở ngại đầu tiên là các cảng ở hai bên bờ Đại Tây Dương chưa có đủ năng lực để tiếp nhận thêm tàu và khí đốt.
Châu Âu từ lâu coi Nga là một bên cung cấp khí đốt đáng tin cậy, khi đảm bảo khoảng 40% lượng khí đốt mà châu lục sử dụng. Trong đó, Đức được coi là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt Nga, đặc biệt là sau khi nước này quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Nhờ nhận được nguồn khí đốt giá tốt vận chuyển qua đường ống từ Nga và một số quốc gia như Hà Lan, Na Uy, Đức từ lâu đã không xây dựng bất kỳ kho dự trữ nào có thể nhập khẩu LNG.
Đức cũng cần nhập khẩu khoảng 30% lượng dầu thô từ Nga. Nước này đã cố gắng cắt giảm tiêu thụ xăng dầu bằng những chương trình trợ cấp hào phóng cho ôtô điện và đầu tư nhiều hơn vào phương tiện công cộng.
Xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz có những thay đổi quyết liệt trong chính sách năng lượng của mình. Đức đã hồi sinh kế hoạch xây dựng kho nhập khẩu khí đốt và đình chỉ phê duyệt đường ống Nord Stream 2, dự án từng được kỳ vọng cung cấp nguồn khí đốt ổn định từ Nga.
Tuy nhiên, xây dựng các kho dự trữ LNG khá tốn kém. Mỗi kho dự trữ LNG xuất khẩu yêu cầu khoản đầu tư lên tới 10 tỷ USD, trong khi những kho nhập khẩu mất khoảng một tỷ USD. Mỹ có 7 kho xuất khẩu và châu Âu đang sở hữu 28 kho nhập khẩu quy mô lớn.
Khoảng hơn 10 kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ đã được phê duyệt nhưng cần kinh phí để xây dựng. 10 kho dự trữ LNG nhập khẩu của châu Âu cũng đang được thi công. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Mỹ phàn nàn rằng quá trình xin giấy phép cho các đường ống dẫn khí và kho dự trữ LNG xuất khẩu mất nhiều thời gian hơn là xây dựng chúng.
Các giám đốc công ty năng lượng Mỹ cho rằng chính quyền ông Biden có thể giúp tăng dòng chảy khí đốt tới châu Âu bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép cho các kho dự trữ xuất khẩu mới của Mỹ, nơi khí đốt tự nhiên được làm lạnh thành chất lỏng và bơm vào các tàu chuyên dụng.
Washington và EU cũng có thể cung cấp các bảo lãnh khoản vay cho các kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ và kho dự trữ nhập khẩu của châu Âu để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ngoài cơ sở hạ tầng và chi phí, thủ tục xây dựng kho chứa, tham vọng cung cấp LNG của Mỹ cho châu Âu còn đối mặt thách thức từ các nhóm bảo vệ môi trường, bởi họ sợ rằng nó sẽ khiến Mỹ và châu Âu sử dụng nhiên liệu hóa thạch lâu hơn, đe dọa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
"Chúng ta nên nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch giá rẻ, chứ không phải tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch", Kelly Sheehan, nhà vận động môi trường tại Sierra Club, nói. "Giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là cách duy nhất để tự bảo vệ mình trước bất ổn địa chính trị và lòng tham của các nhà sản xuất năng lượng".
Mỹ gần đây đã trở thành một bên xuất khẩu ròng năng lượng nhờ công nghệ khai thác đá phiến giúp tăng đáng kể trữ lượng khí đốt. Các nhà sản xuất Mỹ gần như đã hoạt động hết công suất trong xuất khẩu LNG.
Thỏa thuận cung cấp khí đốt cho EU thúc đẩy các công ty Mỹ đầu tư thêm vào các kho chứa LNG. Abigail Dillen, chủ tịch tổ chức luật môi trường Earthjustice, cảnh báo xây dựng thêm cơ sở hạ tầng LNG sẽ khiến Mỹ và châu Âu phải phụ thuộc lâu dài vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong nhiều thập kỷ tới.
"Không có cách nào để vừa tăng xuất khẩu LNG và vừa thực hiện các cam kết về khí hậu của Mỹ và EU", Dillen nói.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết nhiều kế hoạch hợp tác giảm phụ thuộc khí đốt của Nga sẽ được tính toán để không ảnh hưởng tới các chính sách khí hậu của hai bên.
Họ cho biết sẽ tăng cường các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, như triển khai các máy bơm nhiệt và sử dụng công nghệ hydro sạch để thay thế nhiên liệu hóa thạch, xúc tiến lập kế hoạch và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo như gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, các bước đi cụ thể vẫn còn nhiều mơ hồ.
Một thách thức nữa mà kế hoạch tăng khí đốt cho châu Âu của Mỹ phải đối mặt là chính quyền Biden không thể dễ dàng ra lệnh cho các nhà sản xuất Mỹ bán khí đốt cho châu Âu, hoặc áp đặt mức giá chấp nhận được cho bên mua.
Tại Mỹ, các nhà xuất khẩu khí đốt đã chuyển từ thị trường châu Á sang châu Âu vài tháng gần đây, một phần bởi giá khí đốt ở châu Âu đang cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Gần 75% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã chuyển tới châu Âu trong năm nay, tăng từ 34% trong năm 2021.
Chính quyền Biden đã khuyến khích sự thay đổi đó bằng cách nới lỏng các hạn chế xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu.
Charlie Riedl, giám đốc điều hành tại Trung tâm Khí tự nhiên hóa lỏng, tin rằng Mỹ có thể dễ dàng đạt mục tiêu xuất khẩu thêm 15 tỷ mét khối LNG cho châu Âu. Ông cho biết 2/3 nguồn hàng trong đó có thể đến từ việc chuyển hướng các con tàu chở LNG tới châu Á, phần còn lại có thể đến từ tăng công suất các kho dự trữ LNG hiện có của Mỹ.
"Rõ ràng đó là dấu hiệu tích cực cho thấy châu Âu đang nỗ lực loại bỏ khí đốt Nga", ông Riedl nói.
Nikolay Urvantsev, tàu chờ khí hóa lỏng của Nga, tại cảng Bilbao, Tây Ban Nha hôm 10/3. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, các giám đốc dầu khí Mỹ nói ông Biden và bà von der Leyen sẽ phải kiên nhẫn và thừa nhận rằng quyết định bán khí đốt cho ai sẽ phụ thuộc vào các công ty tư nhân, chứ không phải các chính trị gia. Các nhà xuất khẩu rốt cuộc sẽ tìm cách bán khí đốt của họ cho những người sẵn sàng trả giá cao nhất, chứ không phải khách hàng do Nhà Trắng chỉ định.
"Đây là một hệ thống tư bản chủ nghĩa", Souki, chủ tịch công ty năng lượng Tellurian, nói. "Chính những người như tôi mới là bên đưa ra quyết định đó. Chính phủ không thể ra lệnh cho chúng tôi phải chuyển khí đốt tới đâu".
Theo VNE