Thách thức và triển vọng của một số ngành hàng xuất khẩu

Thứ tư, ngày 25/04/2012

Một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2012-2013. Tuy nhiên, đi kèm với đó là có điều kiện, bởi doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành hàng này đang gặp không ít khó khăn từ cả bên trong, lẫn bên ngoài. Trong các ngành hàng được nhận định đạt mức tăng trưởng tốt có dệt may và chế biến gỗ, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương.

Kỳ 1: Ngành dệt may có thể đạt tăng trưởng tốt

Kỳ 2: Ngành chế biến gỗ gặp khó, nhu cầu thị trường vẫn cao

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai châu Á, sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ liên tục tăng và trong quý I-2012 thu về gần 1 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 18,3%. Đó là thế mạnh, nhưng theo Hiệp hội ngành gỗ thì hiện nay ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, các DN chế biến gỗ đang “oằn mình” tìm đầu ra cho sản phẩm! Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á do mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại một DN chế biến gỗ ở Bình Dương

Chưa thoát khỏi khó khăn

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), khó khăn hiện nay của ngành gỗ là phát triển tự phát, manh mún, hầu hết các DN chế biến gỗ có quy mô vừa và nhỏ nên năng suất không cao. Bên cạnh đó, DN chế biến gỗ còn thiếu thông tin thị trường, nhu cầu và xu hướng, thiếu nguồn cung gỗ bởi hơn 70% nguyên liệu của ngành phải nhập khẩu. Thêm nữa là cán bộ có năng lực trong quản lý, điều hành còn thiếu, lĩnh vực thiết kế và kỹ năng tiếp thị chưa cao...

Một thực tế được ông Mạnh đề cập là hiện nay các kênh thông tin đang rơi vào tình trạng nhiễu loạn, trong khi trang thông tin chính thống của Bộ Công Thương lại chưa phát huy được hiệu quả để giúp DN tìm kiếm thị trường, cũng như cơ cấu ngành hàng xuất khẩu. Theo một cuộc khảo sát của HAWA mới đây, khó khăn đối với các DN chế biến gỗ năm 2012 vẫn là bài toán chi phí. Trong đó, chi phí sản xuất tăng khoảng 24%, chi phí tài chính như lãi vay ngân hàng tăng khoảng 2%, trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng từ 5 - 7%.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, để hạn chế những khó khăn DN Việt Nam nói chung đang gặp phải như vốn, nguyên liệu, kỹ thuật, các rào cản xuất khẩu... cơ quan quản lý cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho DN. Riêng các DN chế biến gỗ cũng gặp khó khăn do những biến động lớn về tỷ giá, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tiền vay còn cao... Trong khi đó, khoảng 70% DN ngành gỗ có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, khó tiếp cận nguồn vốn vay dẫn đến vòng quay tiền chậm, hiệu quả sản xuất không cao, không tạo ra được giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Những dấu hiệu lạc quan

Nếu nhìn vào thực tế thị trường, theo ông Mạnh, các DN chế biến gỗ không nên bi quan, bởi ngành gỗ cũng đang có nhiều lợi thế về nhân công, hệ thống máy móc thiết bị mới được đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á do mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và ngày càng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những cơ sở để Việt Nam sớm trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ và là điểm đến lý tưởng cho khách hàng quốc tế. Đối với các rào cản thương mại, DN có thể hóa giải bằng nhiều cách. Điều cần thiết đối với các DN chế biến gỗ Việt Nam hiện nay là cần tăng cường cải tiến mẫu mã và quảng bá tiếp thị.

Ông Mạnh cho biết tình hình xuất khẩu gỗ trong những năm qua liên tục phát triển, riêng trong quý I-2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 986 triệu USD. Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường trọng điểm của ngành gỗ Việt Nam, trong đó Mỹ chiếm 35,6%, Nhật Bản 15,5%, Trung Quốc 12,2%... Hiện nay, đa số các nhà sản xuất lớn trong nước đều đã có đơn hàng đến hết quý II-2012, nên đây cũng là cơ sở để kỳ vọng năm nay ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng dù nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn.

Cùng với các cơ sở thuận lợi nói trên, đồ gỗ truyền thống Việt Nam được đánh giá là có đặc trưng riêng. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ trên toàn thế giới vẫn có xu hướng tăng cao. Hơn nữa, chính sách của Nhà nước về trồng rừng nguyên liệu thay thế nhập khẩu đã cụ thể nên triển vọng tương lai của ngành gỗ đã bắt đầu lộ rõ hơn. Theo dự kiến đến năm 2020, diện tích rừng cho sản xuất đạt khoảng 8,4 triệu ha, sản lượng gỗ khai thác khoảng 22 triệu m3. Đồ gỗ Việt Nam trong tương lai có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm của Trung Quốc. Nếu tốc độ tăng trưởng của ngành xuất khẩu gỗ luôn giữ mức phát triển liên tục như hiện nay thì theo ước tính của HAWA, đến năm 2020 giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD...

Để ngành chế biến gỗ tiếp tục đứng vững và từng bước cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải xây dựng cho được chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo đột phá trong khâu xúc tiến thương mại; lập kho hàng hoặc kho ngoại quan tại các thị trường mục tiêu và xây dựng các đầu mối bán hàng; trực tiếp cung ứng vào hệ thống phân phối. Cùng với đó, Nhà nước phải hỗ trợ DN mở rộng các thị trường mới, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng chương trình hỗ trợ DN trong lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu; xây dựng trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu và chương trình phát triển ngành công nghiệp phụ trợ...

K.TÂN