Thách thức của ngành da giày

Thứ ba, ngày 03/07/2018

(BDO)  Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, nhu cầu da, giày, túi xách trên thị trường đang ngày càng tăng; trên 70% sản lượng ngành công nghiệp thời trang được sản xuất ở các quốc gia khu vực châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Bangladesh… trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50%. Mục tiêu đặt ra cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2018 là xuất khẩu đạt từ 19,5 - 20 tỷ USD, tăng 10%; sản xuất công nghiệp da giày tăng 5% so với năm 2017; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%; xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi cặp đứng thứ 10 thế giới, nằm trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo Sở Công thương, lĩnh vực sản xuất giày da là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khó tính, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất da giày trong tỉnh đã không ngừng cải tiến công nghệ để tạo được nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã, chất lượng phù hợp với phân khúc thị trường giá rẻ, nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Về thách thức của ngành da giày Việt Nam, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là năng suất lao động. Hiện năng suất lao động tổng hợp toàn ngành chia ra 3 cấp độ khác nhau: Các doanh nghiệp lớn năng suất đạt khoảng 25.000 - 27.000 USD/người/ năm; các doanh nghiệp trung bình khoảng 18.000 USD/người/ năm; doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 12.000 USD/người/năm. Trong năm 2018 và những năm tới, các doanh nghiệp trong ngành da giày, túi xách trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Theo cách tính này, năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 0,6 - 0,7 đôi/giờ, còn các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất đạt 1,2 đôi/ giờ. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết hiện doanh nghiệp trong nước đang gặp phải khó khăn về vấn đề tăng lương, năng suất lao động không tăng, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất còn chậm do thiếu vốn. Để cạnh tranh tốt trên thị trường, các doanh nghiệp này cần nỗ lực nhiều hơn. Nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động, dự báo trong vài năm tới sản lượng ngành da giày trong nước sản xuất ra có thể tăng 1,5 - 2 lần so với hiện tại. Việc mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp thay thế một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Mặc dù việc đầu tư vào công nghệ sẽ khá tốn kém, song để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc nhìn nhận rõ vấn đề và có sự đầu tư hợp lý.

HOÀNG PHONG