Tết Việt với người nước ngoài
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam là dịp các doanh nhân, chuyên gia, giảng viên, người lao động nước ngoài đang sinh sống, làm việc, kinh doanh tại Bình Dương được nghỉ ngơi, trở về bên người thân ở quê nhà. Tuy vậy, cũng có những người nước ngoài ở lại đón tết cổ truyền Việt Nam, họ có dịp hiểu thêm về nền văn hóa phong phú, tốt đẹp của nước ta.
Tết Việt thật gần gũi
(BDO) Đến nay, Tiến sĩ Kang Seung Won, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), đã đón nhiều cái Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Tiến sĩ Kang Seung Won chia sẻ tết ở Việt Nam luôn là một sự kiện mới và thú vị đối với ông. “Như bạn đã biết, đó là khởi đầu của một năm mới và cuộc sống mới. Những năm trước, khi còn ở Hàn Quốc, quê hương của tôi, tôi thường đón tết bên cha mẹ và người thân. Nhưng vài năm gần đây, tôi và vợ (Mrs Kim, cũng giảng dạy tại EIU - PV) cùng quyết định trải nghiệm tết Việt ở Bình Dương”, ông tâm tình.
Tiến sĩ Kang Seung Won và vợ - Mrs Kim đã đón 4 cái tết cổ truyền của Việt Nam. Ảnh: CÔNG MINH
Trong kỳ nghỉ tết, vợ chồng Tiến sĩ Kang Seung Won thường dành hầu hết thời gian để ở nhà và đi tham quan các nơi lân cận tỉnh Bình Dương. Theo ông, tết ở Việt Nam không quá xa lạ, mà nó gần như là kỳ nghỉ tết cùng thời điểm ở Hàn Quốc. Có lẽ do hai quốc gia có nền văn hóa khá tương đồng.
Tiến sĩ Kang Seung Won chia sẻ, cảm nhận khi ông đến đây lần đầu tiên là Bình Dương thật đẹp và lôi cuốn. Cho đến bây giờ ông vẫn thích thưởng thức tiết trời ở đây mỗi buổi sáng và sau khi đi làm, trở về căn hộ vào cuối ngày. Vào những ngày giáp tết, tiết trời Bình Dương có gì đó rất khác lạ. Là dịp để mọi người nhìn thấy thiên nhiên và con người, cây cỏ, hoa lá đang chuyển mình, mang diện mạo mới.
“Ý nghĩa ngày tết cổ truyền âm lịch của 2 quốc gia, cũng như nhiều nước khác ở châu Á là giống nhau. Về vấn đề này, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều thứ có thể được chia sẻ về văn hóa. Tuy nhiên, về bản sắc thì mỗi quốc gia, mỗi nơi mỗi khác và đó chính là điều thú vị mà chúng tôi cần phải khám phá và trải nghiệm”. (Tiến sĩ Kang Seung Won) |
Tại Hàn Quốc, người dân cũng ăn mừng năm mới âm lịch (tết), đó là dịp sum họp quan trọng nhất trong ngày đầu năm mới âm lịch, mục đích cơ bản nhất là để tạ ơn tổ tiên đã mang lại những gì tốt nhất trong năm qua. Mục đích khác, tết còn là dịp để ăn mừng ngày đầu năm mới với các thành viên trong gia đình và ban phước cho nhau để cho những điều tốt đẹp có thể xảy ra trong 365 ngày sau đó. Ông Kang Seung Won, nói: “Tôi hy vọng rằng trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam sẽ duy trì và phát triển tốt văn hóa đặc sắc của mình ngay từ những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc”.
Truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ
Với ông Masayasu Shiroyama (Nhật Bản), Quản lý thuộc Tập đoàn Tokyu, đã làm việc ở Bình Dương được 3 năm, trong vai trò là một chuyên gia thuộc Phòng Tài chính kế toán và Đối ngoại của Công ty Liên doanh Becamex Tokyu. Trong những ngày tết truyền thống của Việt Nam ông thường đi nước ngoài, bởi những ngày này các cửa hàng đều đóng cửa. Và cũng chẳng dễ dàng gì khi ông muốn đi đâu cũng khó vì không có xe gắn máy. Tuy vậy, như ông chia sẻ, ông cũng có dịp hưởng không khí của những ngày cận tết và thấy rằng nó rất náo nức, ai cũng tất bật chạy đua với thời gian, tích cực mua sắm.
Ông Masayasu Shiroyama tâm tình, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về ngày tết truyền thống của Việt Nam là món bánh chưng, nó được làm từ người mẹ chồng của bạn ông. Bánh chưng rất đẹp, ông rất thích nó. Nếu so sánh thì kỳ nghỉ tết cổ truyền của Việt Nam rất giống với kỳ nghỉ đầu năm mới của Nhật Bản. Đó là thời điểm tốt nhất để dành cho gia đình. Đó là lúc trẻ con tập trung nhà của cha mẹ và ông bà, họ hàng để chúc mừng và cùng ăn uống. Những điều đó tạo nên sức mạnh gắn kết họ hàng thân tộc, theo kiểu “Kazoku no Kizuna”.
“Tuy nhiên những ngày tết cũng có sự bất tiện nho nhỏ. Đó là gần như tất cả cửa hàng đều đóng cửa trong thời điểm này, trong khi số lượng xe taxi cũng thấp hơn so với ngày thường. Điều đó là không hề thuận lợi, đặc biệt là cho người nước ngoài như chúng tôi”, ông Masayasu Shiroyama nói. Nhưng ông cũng cho rằng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình là những thứ cần phải bảo tồn, giữ gìn.
Ông Masayasu Shiroyama chia sẻ: “Từ tháng 1-2016 đến nay, tôi là quản lý của Tập đoàn Tokyu, với nhiệm vụ phụ trách dự án phát triển Thành phố mới Bình Dương. Vì thế, mong muốn lớn nhất của tôi trong năm mới là góp phần mang đến sự phát triển tốt nhất cho Thành phố mới Bình Dương và tỉnh Bình Dương”.
HOÀNG THIÊN ÂN